Trong thời gian gần đây, các cuộc khẩu chiến giữa Iran và Mỹ ngày càng trở nên gay gắt. Tuần trước, xung đột này đã đạt "đỉnh điểm" mới khi Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, gửi lời cảnh báo đanh thép tới Tổng thống Mỹ Donald Trump:
"Nếu ông khơi mào cuộc chiến, thì chúng tôi sẽ kết thúc nó. Chắc hẳn ông cũng biết rằng cuộc chiến này sẽ hủy hoại tất cả mọi thứ ông sở hữu", Tướng Soleimani đe dọa.
Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi cuộc khẩu chiến qua lại giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Trump, cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Xét đến vị trí và cấp độ của Tướng Soleimani - một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Iran - thì lời đe dọa này cũng rất đáng gờm đối với Mỹ.
Tuy nhiên, theo CNBC, rất có thể Iran sẽ không tiến hành một cuộc chiến tranh vũ trang truyền thống, mà sẽ chọn những cách khác để hủy hoại nước Mỹ; và không chỉ riêng Mỹ, những biện pháp ấy thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến các cuộc xung đột khác trong khu vực và thị trường dầu mỏ thế giới.
Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran. Ảnh: Anadolu.
Bất lợi về quân sự
Các chuyên gia quân sự trong khu vực đã loại trừ khả năng Iran tấn công trực diện vào Mỹ, hay trực tiếp khơi mào một cuộc chiến tranh trong khu vực.
Chưa nói đến cách biệt lớn về năng lực quân sự và công nghệ của Mỹ, Israel so với Iran, thì việc nền kinh tế đang trải qua nhiều biến cố và tình hình xã hội bất ổn cũng là 2 yếu tố khiến chính phủ Iran cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định tham chiến.
"Rõ ràng nước Mỹ có lợi thế lớn hơn nhiều về quân sự so với Iran, cả về lực lượng hải quân, lục quân và không quân", chuyên gia Aniseh Tabrizi, một nhà nghiên cứu về vấn đề Trung Đông tại London cho biết.
Theo CNBC, Mỹ và Iran từng đối đầu quân sự trong quá khứ. Tehran có lẽ chưa thể quên những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Iran-Iraq trong thập niên 80, khi quân đội Mỹ 'xóa sổ' hơn một nửa lực lượng hải quân Iran nhằm trả đũa việc Iran sử dụng thủy lôi, khiến một tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ bị đánh đắm tại Vịnh Ba Tư.
Chiến dịch Bọ ngựa của quân đội Mỹ năm 1988 đã phá hủy nhiều giàn khoan dầu mỏ, các cơ sở quân sự trên biển và tàu chiến của Iran.
Với tương quan lực lượng như hiện nay, Iran vẫn khó có thể đối đầu quân sự Mỹ nếu như một cuộc chiến tranh xảy ra.
Thị trường dầu mỏ đối mặt rủi ro lớn
Tuy nhiên Iran vẫn còn nhiều 'vũ khí' khác để tấn công vào các lợi ích của Mỹ, và rất nhiều 'vũ khí' trong số đó vốn đã được triển khai từ trước.
Trong thời gian gần đây, Tehran cũng liên tục đưa ra những lời đe dọa phong tỏa các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ trên biển của nhiều quốc gia Trung Đông, cụ thể là eo biển Hormuz và eo biển Bab el-Mandeb trên Biển Đỏ. Những eo biển này đều là vị trí chiến lược rất quan trọng trên tuyến đường vận chuyển dầu mỏ.
Do việc phong tỏa eo biển Hormuz được nhận định là khó thành công hơn bởi lực lượng hải quân Mỹ được bố trí dày đặc, Iran dường như đã chuyển hướng mục tiêu sang eo biển Bab el-Mandeb tại Biển Đỏ.
Hôm thứ 4 tuần qua, phiến quân Houthi đã tấn công tên lửa nhằm vào tàu chở dầu của Ả Rập Saudi trên vùng Biển Đỏ, khiến chính quyền Ả Rập Saudi phải tuyên bố dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển dầu thô qua tuyến đường chiến lược này.
Ngay sau đó, tướng Iran Soleimani liền đưa ra cảnh báo rằng Biển Đỏ đã "không còn an toàn với sự hiện diện của quân đội Mỹ". CNBC cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Iran sắp chuyển sang mục tiêu này.