Giữa khủng hoảng khí đốt, báo Đức nêu lý do Mỹ khó có thể trở thành "cứu tinh" của châu Âu

Hồng Anh |

Châu Âu hiện đang đối mặt với "một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có" và đang nỗ lực thoát phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Khủng hoảng khí đốt "chưa từng có" ở châu Âu

Theo đài CNBC (Mỹ), châu Âu hiện đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đang đẩy các nền kinh tế của châu lục này đến gần hơn với suy thoái, và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tham vọng biến đổi khí hậu của khu vực."

Trước khi Nga bắt đầu cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, nguồn cung khí đốt của nước này đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của châu Âu.

Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, EU cùng với Mỹ đã áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng nhằm vào Moskva, trong khi tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Đường ống Nord Stream 1 - từng là biểu tượng hợp tác năng lượng giữa Đức và Nga - là một trong số những đường ống dẫn khí đốt chính từ Nga đến châu Âu.

Một tuyến đường chính khác là đường ống Yamal-Europe, vận hành ở chiều ngược lại với nhiệm vụ vận chuyển khí đốt từ Đức sang Ba Lan và xuất khẩu khí đốt qua Ukraine cũng đang giảm công suất sau khi Kyiv đóng cửa một trong hai điểm giao với Nga trong bối cảnh xung đột quân sự.

Kết quả là, sản lượng khí đốt của Gazprom đã giảm 12% xuống còn 262,4 tỷ mét khối từ tháng 1 đến tháng 7, và xuất khẩu sang các nước không thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) giảm 35% xuống còn 75,3 bcm so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Gazprom.

Giữa khủng hoảng khí đốt, báo Đức nêu lý do Mỹ khó có thể trở thành cứu tinh của châu Âu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Moskva phủ nhận những cáo buộc cho rằng họ đang sử dụng khí đốt làm vũ khí, nhưng người châu Âu nói rằng Gazprom hiện không còn là nhà cung cấp đáng tin cậy.

Riêng tuần trước, nguồn cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm từ 40% xuống 20%, với lý do được Gazprom đưa ra là do đường ống "cần bảo trì".

Trước đó, việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 đã bị tạm dừng một thời gian ngắn (từ ngày 11-21/7) do đợt bảo trì thường niên.

Theo Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, 12 quốc gia thành viên đã bị cắt giảm nguồn cung, và một số quốc gia khác bị cắt hoàn toàn (do các quốc gia này không đồng ý tuân thủ quy định thanh toán bằng đồng rúp của Nga.)

Bà Kadri Simson, ủy viên năng lượng của châu Âu, bình luận với CNBC: "Chúng tôi phải sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung bị gián đoạn trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần phải chuẩn bị một kế hoạch".

Trong bối cảnh khủng hoảng, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng đã tăng đáng kể. Ông Salomon Fiedler, một nhà kinh tế học của ngân hàng Berenberg (Đức), lưu ý rằng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện đắt hơn đáng kể so với mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019.

"Bình thường EU có thể sử dụng khoảng 4,3 tỷ MWh khí tự nhiên/năm. Do đó, nếu giá tăng thêm 100 euro/MWh/năm và EU phải trả những mức giá này thay vì những lợi ích từ một hợp đồng giá cố định dài hạn, chi phí sẽ tăng khoảng 430 tỷ euro (437 tỷ USD) - tương đương 3% GDP năm 2021 của khối", ông Fiedler cho biết.

Giá năng lượng tăng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới hóa đơn của các công ty và cá nhân trên toàn khối EU.

Cũng theo CNBC, tình trạng giá năng lượng tăng và nguồn cung giảm cũng đe dọa đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Âu.

Kết quả tăng trưởng mới nhất trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro vào cuối tuần trước cho thấy GDP của EU ở mức 0,7% trong quý II - cao hơn kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà kinh tế đưa ra dự báo kém lạc quan hơn cho năm 2023.

Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu cho biết nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 1,5% trong năm tới. Tuy nhiên, tổ chức này cũng dự báo rằng việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể dẫn đến kịch bản suy thoái vào cuối năm 2022.

Giữa khủng hoảng khí đốt, báo Đức nêu lý do Mỹ khó có thể trở thành cứu tinh của châu Âu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Báo Đức: Lý do Mỹ khó trở thành "cứu tinh" của châu Âu

Theo báo DW của Đức, nhu cầu lớn của châu Âu về khí đốt, đặc biệt là sau khi nguồn cung từ Nga bị cắt giảm, đã thúc đẩy ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, công suất của ngành công nghiệp này ở Mỹ có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu của châu Âu, hơn nữa cũng có nhiều ý kiến lo ngại về tác động của ngành công nghiệp này đối với khí hậu.

Mỹ hiện là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, tuy nhiên các giới hạn về chính trị, kinh tế và kỹ thuật đã ngăn cản quốc gia này trở thành "vị cứu tinh" toàn diện của châu Âu, DW bình luận.

DW dẫn lời ông Eugene Kim, giám đốc bộ phận nghiên cứu Khí đốt châu Mỹ của Wood Mackenzie, cho biết Mỹ hiện là một trong những nhà cung cấp LNG an toàn duy nhất trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện tại, khi các ngành công nghiệp khí đốt của Australia và Tây Phi chịu sự hạn chế của xung đột kinh tế và chính trị.

Thế nhưng, khi ngành công nghiệp LNG đang bùng nổ, thì việc Mỹ thiếu năng lực xuất khẩu đang gây ảnh hưởng tới năng lực cung cấp LNG của Mỹ sang châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 đã hứa sẽ xuất khẩu nhiều LNG hơn sang châu Âu, nhưng thực tế ngành công nghiệp này của Mỹ đã đạt mức tối đa. Ngoài ra, do phụ thuộc vào đường ống từ Nga, phần lớn châu Âu thiếu cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG của Mỹ, kể cả khi Mỹ có khả năng tăng cường xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu.

Trong tương lai ngắn hạn, năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ giảm đáng kể do vụ nổ hồi tháng 6 tại cơ sở Freeport LNG trên Bờ Vịnh Texas.

Thế nhưng ngay cả trước sự cố này, Mỹ đã được đề nghị tăng nguồn cung cho châu Âu. Ông Kim cho hay: "Trước khi xảy ra vụ nổ Freeport LNG vào đầu tháng 6, năng lực sản xuất của Mỹ đã đạt mức tối đa".

Ngoài những hạn chế về năng lực, Mỹ hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng các công ty và người tiêu dùng trong nước phải chịu mức giá cao hơn do xuất khẩu LNG của nước này tăng mạnh.

Về khía cạnh khí hậu, ngành công nghiệp LNG của Mỹ cũng nhận về nhiều ý kiến phản đối từ trong và ngoài nước.

Những ý kiến phản đối đã viện dẫn những nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình khai thác và hóa lỏng khí tự nhiên có thể cực kỳ nguy hiểm và gây ô nhiễm.

Từ vụ nổ cơ sở Freeport LNG ở Texas, những ý kiến phản đối cũng lập luận rằng quá trình hóa lỏng khí tự nhiên có nguy cơ cháy nổ, gây nguy hiểm cho khu vực xung quanh.

Giữa khủng hoảng khí đốt, báo Đức nêu lý do Mỹ khó có thể trở thành cứu tinh của châu Âu - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Điện Kremlin lên tiếng về vấn đề sửa chữa Nord Stream 1

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Hai (1/8) vừa lên tiếng về vấn đề sửa chữa thiết bị của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1.

Theo đó, ông Peskov nói rằng Nga "không làm được gì nhiều" nhằm giúp đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường ống Nord Stream 1 hiện đang gặp một số trục trặc.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lưu lượng khí đốt chảy qua đường ống này sang châu Âu bị cắt giảm xuống chỉ còn 20% trong tuần trước. Lý do được phía Nga đưa ra là do một tuabin được gửi đến Canada bảo trì vẫn chưa được trả lại, và các thiết bị khác cũng cần được sửa chữa.

Reuters nhận định rằng những diễn biến gần đây báo hiệu căng thẳng giữa Nga và châu Âu về vấn đề cắt giảm nguồn cung khí đốt ngày càng trầm trọng hơn.

Ông Peskov hôm 1/8 cho biết: "Có những trục trặc cần sửa chữa khẩn cấp, và cũng có những có khó khăn do các lệnh trừng phạt gây ra. Tình hình này cần được khắc phục và Nga hầu như không làm được gì nhiều trong bối cảnh này".

Trong khi đó, công ty Siemens Energy của Đức nói rằng họ không được tiếp cận các tuabin đang hoạt động và cũng không nhận được báo cáo thiệt hại nào từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, nên phía Đức mặc định rằng các tuabin vẫn đang hoạt động bình thường./.

Nguồn tổng hợp: Reuters, DW, CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại