Chính trường Đức "sục sôi": Thiếu khí đốt, chọn điện hạt nhân hay đối mặt khủng hoảng điện

Hữu Hiển |

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner: "Đức phải cố gắng đảm bảo rằng một cuộc khủng hoảng khí đốt không kéo theo một cuộc khủng hoảng điện năng".

Ngừng sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Bild (Đức) vào ngày 31/7, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã công khai kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế nước này Robert Habeck ngừng sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện, đồng thời kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hiện tại đến năm 2024 để tránh khủng hoảng điện năng ở Đức.

Ông Lindner cho biết, Đức "phải cố gắng đảm bảo rằng một cuộc khủng hoảng khí đốt không kéo theo một cuộc khủng hoảng điện năng" và do đó không nên tiếp tục sử dụng khí đốt để sản xuất điện.

Ông Lindner nói thêm: "Bộ trưởng Kinh tế Habeck có quyền chấm dứt hoạt động này. Chúng ta phải chuyển sang các biện pháp khác để đảm bảo nguồn cung cấp điện. Nhiều người hiện đang kêu gọi không đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân an toàn và thân thiện với môi trường. Nếu cần, chúng nên được phép hoạt động cho đến năm 2024."

Chính trường Đức sục sôi: Thiếu khí đốt, chọn điện hạt nhân hay đối mặt khủng hoảng điện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. Ảnh: Truyền thông Đức

Hãng tin AP của Mỹ bình luận rằng, lời kêu gọi của ông Lindner đã khiến hai đảng còn lại trong liên minh cầm quyền "lúng túng" do khác biệt quan điểm về vấn đề điện hạt nhân.

Trong quý đầu tiên của năm nay, 6% lượng điện của Đức được cung cấp bởi các nhà máy điện hạt nhân, còn điện được sản xuất bởi khí đốt tự nhiên chiếm 13%.

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel đã quyết định từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân. Theo kế hoạch được đưa ra, ba nhà máy điện hạt nhân vẫn đang hoạt động ở Đức sẽ phải đóng cửa vào cuối tháng 12 năm nay.

Chính trường Đức sục sôi: Thiếu khí đốt, chọn điện hạt nhân hay đối mặt khủng hoảng điện - Ảnh 2.

Nhà máy điện hạt nhân ở Đức. Ảnh: Daily Mail

Vấn đề về điện không phải vấn đề phổ biến

Theo hãng tin AP, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, các đảng phái khác nhau ở Đức đã tranh luận về việc có nên kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hay không. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner - một đảng viên Đảng Dân chủ Tự do - hiện đang kêu gọi kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy, nhưng lại khiến hai đảng còn lại trong liên minh cầm quyền cảm thấy khó xử.

Hãng tin AP giải thích, trong những năm gần đây, các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz, và đặc biệt là Đảng Xanh của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, đã không ngừng thúc đẩy việc nước Đức từ bỏ điện hạt nhân.

Ông Harbeck từ lâu đã lập luận rằng, việc duy trì các nhà máy điện hạt nhân rất phức tạp, cả về mặt pháp lý và kỹ thuật, và sẽ không giải quyết được các vấn đề do thiếu khí đốt gây ra. Theo quan điểm của ông, khí đốt tự nhiên chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và sưởi ấm, chứ không phải nhân tố chủ yếu quyết định vấn đề điện năng.

Ông Harbeck nói: "Vấn đề chúng tôi đang phải đối mặt là nguồn cung khí sưởi ấm và sản xuất công nghiệp, chứ không phải là vấn đề về điện - ít nhất không phải là một vấn đề phổ biến trên toàn quốc".

Chính trường Đức sục sôi: Thiếu khí đốt, chọn điện hạt nhân hay đối mặt khủng hoảng điện - Ảnh 3.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: AP

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây đối với Nga đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Đặc biệt, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 đã nhiều lần gặp "sự cố kỹ thuật" trong thời gian gần đây và lượng khí truyền tải liên tục sụt giảm, càng làm bùng lên cuộc tranh luận ở Đức về việc sử dụng năng lượng của Nga.

Vào giữa tháng 7, Bộ Kinh tế Đức đã tuyên bố tiến hành một "cuộc kiểm tra nghiêm túc" đối với vấn đề an ninh của nguồn cung cấp điện nước này. Bà Christiane Hoffmann - người phát ngôn của Chính phủ Đức - tuần trước cho biết, họ đang chờ kết quả của cuộc kiểm tra dự kiến sẽ có trong vài tuần tới.

Chính phủ Đức cũng đã "bật đèn xanh" cho các công ty tiện ích công cộng khởi động lại 10 nhà máy nhiệt điện than và 6 nhà máy điện chạy dầu vốn ngừng hoạt động, đồng thời có kế hoạch dọn đường cho việc khởi động lại các nhà máy điện than non, trong khi 11 nhà máy nhiệt điện than khác dự kiến đóng cửa vào tháng 11 sẽ được phép tiếp tục hoạt động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại