Tại buổi làm việc với Sở Giao thông HN chiều qua, bà Jung Eun Oh - Trưởng ban giao thông của WB tại VN - đồng GĐ dự án BRT Kim Mã - Yên Nghĩa nhìn nhận: do tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa là tuyến BRT đầu tiên trong mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội nên thực tế đã gặp phải những khó khăn nhất định.
Để tuyến BRT hoạt động thành công, theo bà bà Jung Eun Oh rất cần sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đó cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, hành lang cho tuyến buýt hoạt động an toàn.
Bà cũng lưu ý, các sở ban ngành của thành phố cần lắng nghe phản hồi đóng góp của người dân trong quá trình sử dụng để tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ.
Sơ đồ tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
BRT sẽ chạy nhanh hơn buýt thường
Không phủ nhận những khó khăn khi đưa BRT vào vận hành, nhưng GĐ Sở Giao thông HN Vũ Văn Viện cho rằng, BRT sẽ chạy nhanh hơn xe buýt thường vì BRT có làn riêng chạy sát dải phân cách giữa, nhà chờ nằm ở dải phân cách giữa nên xe không mất thời gian tạt ra, tạt vào khu vực nhà chờ đón khách.
"Một tuyến BRT giá trị đầu tư chỉ bằng 1/10 dự án đường sắt trên cao, bằng 1/20 tàu điện ngầm nên kinh nghiệm của thế giới là thực hiện BRT trong khi chờ đường sắt đô thị", ông Viện nói và cho biết ngoài tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, 7 tuyến BRT khác cũng sẽ được xây dựng ở HN.
Trả lời câu hỏi, tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa là tuyến đầu tiên đưa vào khai thác liệu có phát huy được hiệu quả không khi chỉ có một tuyến BRT duy nhất?
Ông Viện khẳng định, BRT sẽ phát huy hiệu quả, bởi đây là tuyến đường có lưu lượng giao thông đông đúc, thường xuyên ùn tắc nên phải thay thế bằng giao thông công cộng và tuyến BRT sau khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc.
Dù là tuyến BRT, nhưng tuyến này sẽ được kết nối với 30 tuyến buýt thường để phục vụ hành khách trung chuyển khi sử dụng phương tiện công cộng đi lại.
Xung quanh lo ngại việc ưu tiên BRT chạy trên trục đường với lưu lượng phương tiện đông đúc sẽ làm ảnh hưởng tới các phương tiện khác, gây ùn tắc trầm trọng, nhất là các tuyến cắt ngang BRT, ông Viện cho biết, phương án tổ chức giao thông đảm bảo cho BRT hoạt động nhưng vẫn tính đến điều kiện hoạt động thuận lợi cho phương tiện khác.
Từ 25/12, Sở Giao thông sẽ thực hiện phương án tổ chức giao thông để người dân làm quen và điều chỉnh dần để tuyến BRT hoạt động chính thức từ 1/1/2017.
"Việc ưu tiên đường cho BRT mới đầu chắc chắn sẽ có xáo trộn giao thông nhưng chúng tôi mong người dân hiểu và đồng thuận", ông Viện nói.
Giám đốc Sở Giao thông HN (bìa trái) trải nghiệm xe buýt nhanh.
Mật độ giao thông hiện nay, buýt nhanh sẽ chạy thế nào?
VOV dẫn phân tích của chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cảnh báo, với mật độ giao thông như hiện nay thì nguy cơ vỡ trận tuyến buýt nhanh này hoàn toàn có thể xảy ra, vì cán bộ yếu về chuyên môn và thiếu tầm nhìn chiến lược.
TP Hà Nội ùn tắc giao thông đã rất nghiêm trọng và để đáp ứng được nhu cầu của người dân thì phải mở rộng hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Những bất cập về mật độ phương tiện giao thông đông, hạ tầng chưa hợp lý thì sẽ bộc lộ khi chạy thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT.
"Hiện đường thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào", ông Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ quan điểm.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì cho rằng, nguy cơ sẽ dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ nếu Hà Nội cấm hàng loạt phương tiện giao thông vào giờ cao điểm để vận hành tuyến buýt nhanh.
"Hệ thống xe buýt nhanh là loại phương tiện giao thông tiên tiến, phù hợp với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam" - lời ông Liên.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc vận hành tuyến buýt nhanh tại Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi hệ thống giao thông chật hẹp, lượng phương tiện quá đông.
"Sao đưa 1 loại phương tiện công cộng vào vận hành mà phải ưu ái quá nhiều thứ, cấm nhiều xe, đó có phải là giải pháp tốt?", ông Liên đặt câu hỏi.
Hà Nội cần triển khai thí điểm để tìm ra những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này.