Cục diện bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao sau kỳ Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018?

Thủy Thu |

"Nếu Triều Tiên - Hàn Quốc không đạt được nhất trí trên cơ sở vấn đề hạt nhân thì không khí hòa bình ở Thế vận hội chỉ là 'đóa hoa sớm nở tối tàn'", học giả Trung Quốc nghi ngại.

Không khí hòa dịu nhưng thiếu tín hiệu mới

Ngày 9/2, Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 chính thức khai mạc, lãnh đạo các nước như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ cùng tham dự trên khán đài.

Ông Kim Xán Vinh, chuyên gia về vấn đề nước Mỹ, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, sự kiện lần này cho thấy hiệu quả rõ ràng từ việc Triều Tiên và Hàn Quốc mượn thế vận hội để làm dịu mối quan hệ, điều này không chỉ phù hợp với lợi ích song phương mà còn cho thấy mong muốn xây dựng hòa bình của hai bên đều rất lớn.

"Lần này, những đại diện được Triều Tiên cử tới Hàn Quốc đều có chức vụ tương đối cao, phía Seoul cũng vì thế mà toàn diện phối hợp. Cho nên, hai miền Triều Tiên đều rất đồng thuận về lợi ích song phương với quyết tâm lớn, ít nhất từ bầu không khí, có thể thấy dấu hiệu hòa giải của liên Triều", Kim Xán Vinh nhận định.

Cục diện bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao sau kỳ Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018? - Ảnh 1.

Em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong (trái) đã để lại nhiều ấn tượng về "quyền lực mềm" trong lần tới thăm Hàn Quốc. Ảnh: KCNA/Reuters

Tuy nhiên, theo ông này chìa khóa để nới lỏng tình hình bán đảo vẫn là tiến triển về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhưng tại thời điểm này lại chưa nhìn thấy xu hướng như vậy.

"Triều Tiên tránh đề cập chủ đề này còn Mỹ lại luôn kiên quyết Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, dù cho lần thế vận hội này, Hàn Quốc đã nỗ lực không ít, hy vọng Triều-Mỹ có thể trực tiếp gặp gỡ nhưng kết quả không thành công.

Ví như tại lễ khai mạc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được sắp xếp ngồi cách [Chủ tịch Quốc hội] Kim Yong-nam một hàng hay buổi dạ tiệc tối 9/2, đại diện Mỹ-Triều được sắp xếp ngồi cũng một bàn nhưng ông Pence đã rời đi sau 5 phút xuất hiện", Giáo sư Trung Quốc viết.

Cho nên theo ông này, vấn đề quan trọng vẫn là chương trình hạt nhân Triều Tiên: Triều Tiên không đối thoại, Mỹ không thay đổi lập trường. Vấn đề then chốt vẫn cứ bế tắc, khả năng cục diện bán đảo leo thang căng thẳng trở lại vẫn rất lớn.

"Chủ động chiến thuật, trắng tay chiến lược"

Giáo sư Kim Xán Vinh cho rằng, để các bên có thể đưa ra nhượng bộ trên bán đảo Triều Tiên thì quốc tế vẫn phải trong đợi vào nội dung cuộc đối thoại Triều - Hàn có thể đề cập vấn đề hạt nhân hay không.

Ông này nhận định, hiện nay mới chỉ có thể nhìn thấy bầu không khí hòa dịu, hơn nữa chỉ là hòa dịu trong mối quan hệ Triều-Hàn trong khi mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa được giải quyết.

Do đó, sau ngày 25/2, sau khi Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang kết thúc, bầu không khí hòa giải liên Triều sẽ tiếp tục như thế nào vẫn là một thách thức lớn.

"Nếu hai bên không đạt được nhất trí trên cơ sở vấn đề hạt nhân thì không khí hòa bình ở Thế vận hội chỉ là 'đóa hoa sớm nở tối tàn'", Kim Xán Vinh nghi ngại.

Cục diện bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao sau kỳ Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018? - Ảnh 2.

Sự xuất hiện của bà Kim Yo-jong thậm chí còn "lấn át" cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hàn Quốc. Ảnh: AP

Ông này nói trên thực tế, hai bên đều mong muốn nắm bắt cơ hội và thúc đẩy quan hệ song phương nên sắp tới Hàn quốc có thể sẽ đề xuất tổ chức thêm các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán và Triều Tiên sẽ nhân đó hy vọng Hàn Quốc thực hiện một số hoạt động hỗ trợ nhân đạo nên đây có thể là tín hiệu tốt sau Thế vận hội năm nay.

Tuy nhiên, Kim Xán Vinh cho rằng, mọi tín hiệu vẫn cứ phải trông đợi liệu có bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa hai nước về vấn đề hạt nhân hay không.

"Sẽ có tia hy vọng nếu họ có thể nói về vấn đề hạt nhân. Hiện nay, do chưa nói về hạt nhân nên Mỹ còn rất kiên quyết nhưng chỉ cần đối thoại, Washington sẽ chờ đợi, như vậy có thể cục diện có thể xoay chuyển", Giáo sư Trung Quốc suy đoán nhưng đồng thời cũng cảnh báo tình hình sẽ rắc rối nếu vấn đề hạt nhân không được đề cập sau khi hỗ trợ nhân đạo được tiến hành.

Ông này dự đoán, khi đó Mỹ có thể sẽ bất mãn và đưa ra những bước đi mới, ví dụ tăng cường các biện pháp trừng phạt, tập trận chung, chỉ trích dư luận khiến tình hình rất khó kiểm soát.

"Từ tổng quan tình hình hiện tại, dường như Triều Tiên luôn nắm quyền chủ động nhưng thực ra họ chỉ nắm quyền chủ động về mặt chiến thuật chứ trắng tay về chiến lược", Kim Xán Vinh nhận định.

Kỳ vọng từ Seoul

Cục diện bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao sau kỳ Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018? - Ảnh 3.

Dù rất cố gắng nhưng Hàn Quốc chưa thể tạo nên cầu nối cho cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ-Triều. Ảnh: AP

Ngày 10/2, trong buổi gặp gỡ giữa đại diện Triều-Hàn, đoàn đại biểu Triều Tiên mang thư tay của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới và mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang thăm Bình Nhưỡng.

Giáo sư Trung Quốc đánh giá, câu trả lời của Moon Jae-in khá khéo léo, dù ông ấy vui mừng đón nhận lời mời nhưng lại hy vọng Triều Tiên tạo ra một số điều kiện hợp lý cho cuộc đối thoại tương lại.

Mà theo ông suy đoán, điều kiện do Nhà Xanh đề cập có thể là hy vọng Mỹ-Triều trực tiếp đối thoại cũng như mong muốn Triều Tiên cần chủ động tiến hành một số hành động để Mỹ tin tưởng và sẵn sàng nói chuyện.

Kim Xán Vinh viết: "Mỹ nói chuyện được về vấn đề này [chương trình hạt nhân của Triều Tiên], ông ấy [Moon Jae-in] thăm Bình Nhưỡng sẽ không có trở ngại chính trị nào nhưng nếu Mỹ Triều vẫn cứ đối lập, chuyến thăm của ông ấy sẽ là vô dụng".

Theo học giả Trung Quốc, dù về phương diện chủ quan, Tổng thống Moon Jae-in rất muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ liên Triều nhưng trên phương diện khách quan hai bên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề:

Đó là, thành ý hòa giải liên Triều vẫn chưa rõ ràng, hơn nữa, ông Moon Jae-in cũng chưa nắm bắt chắc chắn mấu chốt này. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc còn bị tác động bởi thái độ của phái bảo thủ trong nước và đồng minh Mỹ-Nhật.

Kim Xán Vinh cho rằng, những động thái hiện nay của Triều Tiên đều phát đi thiện ý, Hàn Quốc - Triều Tiên sẽ tiếp tục tương tác suốt kỳ Thế vận hội nhưng cần duy trì phán đoán lý trí để quan sát các vấn đề cốt lõi.

Tổng thống Hàn Quốc tiếp em gái lãnh đạo Triều Tiên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại