Khoảng lặng quý báu
Với những ai vẫn lo ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang (Hàn Quốc) được coi là một khoảng lặng quý báu.
Chỉ mới tháng trước, lãnh đạo Kim Jong Un còn gợi ý rằng Triều Tiên có thể tham dự Thế vận hội 2018 và rồi thực tế, Triều Tiên đã cử 22 vận động viên tới tham dự kỳ thế vận hội lần này. Thậm chí, ông Kim còn cử em gái mình tham dự phái đoàn đại diện Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc.
Em gái ông Kim Jong-un tới Hàn Quốc dự Olympics Pyeongchang. Ảnh: Reuters
Động thái này được giới phân tích đánh giá là một nước cờ cao tay của ông Kim Jong Un vì đã tận dụng cơ hội này để quảng bá một hình ảnh tích cực của Triều Tiên ra thế giới.
Và động thái này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Sự có mặt của các nhà ngoại giao tại Hàn Quốc sẽ giúp giảm bớt những động thái căng thẳng từ phía Triều Tiên trong hai tuần tới. Đây cũng là một thành công khác của Thế vận hội, cuộc thi đấu thể thao ở tầm quốc tế được khai sinh cách đây 120 năm nhằm giúp các quốc gia xóa bỏ bất đồng để xích lại gần nhau.
Đây đúng là điều mà người dân hai nước trên bán đảo liên Triều đang mong muốn. Nhưng trong trường hợp hiện tại, người ta đang đặt dấu hỏi về khả năng hàn gắn hai miền nhờ Thế vận hội.
Olympic Seoul 1988: Lời kêu gọi tẩy chay bị khước từ
Thế vận hội Seoul năm 1988 đã từng được đánh giá là một thắng lợi lớn ngoại giao tại thời điểm tổ chức. Đây là cơ hội cho một quốc gia vẫn còn chìm đắm trong căng thẳng thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở thành địa điểm quy tụ của nhiều đất nước trên thế giới.
Nhưng nếu nhìn vào lịch sử Thế vận hội một cách đầy đủ, bạn sẽ nhận ra rằng chính kỳ Thế vận hội này phần nào đã dẫn tới hiện trạng của nhà nước Triều Tiên ngày nay.
Nghe có vẻ phi lý nhưng mối quan hệ lịch sử căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đã khiến cho các cuộc thi đấu tại Olympic 1988 trở thành nơi "ra mắt" của một quốc gia trẻ Triều Tiên đầy tham vọng trên vũ đài chính trị thế giới sau này.
Khi Ủy ban Olympic Quốc tế vào tháng 9/ 1981 tuyên bố lựa chọn Seoul (Hàn Quốc) là nơi đăng cai Thế vận hội Mùa Hè 1988, thì cả Seoul và Bình Nhưỡng đều đã trải qua nhiều thập kỉ đối đầu nhằm khẳng định sức mạnh và tiếng nói trên vũ đài thế giới.
Quá trình đối đầu này bắt đầu từ tháng 6/1950, khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Cuộc chiến kéo dài tới 1953 nhưng cả hai bên chưa bao giờ ký kết hiệp định hòa bình, vì vậy, về mặt lý thuyết Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh.
Có một giai đoạn, Triều Tiên dường như giành lợi thế nhờ các khoản trợ cấp hào phóng từ Liên Xô. Nhưng đến những năm 1970, Hàn Quốc đã bắt kịp về mặt kinh tế, chủ yếu là nhờ các chính sách của cố tổng thống Park Chung Hee và sự giúp đỡ từ Mỹ - đồng minh của Hàn Quốc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Cho tới nay, việc Hàn Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 1988 vẫn là một biểu tượng cho sự lớn mạnh về chính trị và kinh tế của nước này. Đó là một chiến thắng ngoạn mục cho một quốc gia từng rơi vào cảnh đói nghèo, và đưa danh tiếng Hàn Quốc lên tầm cỡ thế giới.
Lễ khai mạc Olympic Seoul diễn ra ngày 17/9/1988. Ảnh: AP/Lineno Cironneau
Tại thủ đô Triều Tiên của Bình Nhưỡng, lãnh đạo Kim Nhật Thành buộc phải đưa ra một chính sách đối phó khả thi trong mối quan hệ với Seoul.
Ban đầu, ông đưa ra ý tưởng tổ chức đội tuyển hỗn hợp giữa hai quốc gia trên bán đảo Liên Triều. Trong những năm sau đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), giới chức thể thao của Seoul và Bình Nhưỡng đã đau đầu tìm ra số lượng các môn thể thao Triều Tiên có thể đăng cai. Và hiển nhiên, không bên nào đưa ra được phương án khả thi.
Tháng 10 năm 1986, lãnh đạo Kim Nhật Thành đã đưa một đề xuất khiến cộng đồng thế giới bất ngờ. Đó là kêu gọi Liên Xô tẩy chay Olympic.
Trong thực tế thì việc tẩy chay đã từng xảy ra vào những năm 1980. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã quyết định không gửi vận động viên Mỹ tới Thế vận hội Moscow 1980. Mỹ đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay Olympic.
Liên Xô đã đáp trả hành động này khi thuyết phục phần lớn các quốc gia thuộc Bức màn sắt không tham dự Olympic Los Angeles 4 năm sau đó. Như vậy, hai kỳ Olympic mùa hè liên tiếp chứng kiến sự thống trị của các môn thi đấu từ một siêu cường.
Nhưng năm 1986, Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev nhã nhặn từ chối lời kêu gọi cuộc tẩy chay Olympic Seoul của Triều Tiên với lý do "một cuộc tẩy chay Thế vận hội là không thực tế trong điều kiện hiện tại của Liên Xô".
Khi ông Kim Nhật Thành nhận ra rằng Trung Quốc cũng không đồng thuận trong việc tẩy chay Olympic thì phía Hàn Quốc cũng chẳng có lý do gì để thỏa hiệp.
Vậy nên, lãnh đạo Triều Tiên sau đó đã quyết định chuyển hướng tiếp cận.
Ngày 29/ 11/1987, chuyến bay KAL 858 từ Baghdad tới Seoul bị đặt bom. Tất cả 115 hành khách và phi hành đoàn phần lớn là người Hàn Quốc đều thiệt mạng. Hành động này khiến Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và đưa nước này vào danh sách các quốc gia khủng bố, đồng thời nối dài sự thù hận trong lòng người dân Hàn Quốc.
Nhưng đây vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất với Triều Tiên.
Điều tồi tệ nhất
Nhờ Olympic Seoul mà các quốc gia thuộc khối XHCN trước đây chưa từng chính thức công nhận Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Đây là một phần trong chính sách mới của Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo: Cô lập Triều Tiên và từ đó buộc Bình Nhưỡng phải mở cửa hội nhập với thế giới.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo. Ảnh: VOA
Chính sách này khởi đầu bằng việc Hàn Quốc cho Hungary mượn 625 triệu USD nhằm vực dậy nền kinh tế yếu kém tại quốc gia Đông Âu này. Bất chấp những phản đối kịch liệt của Bình Nhưỡng, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hàn Quốc và Hungary đã được xác lập vào ngày 1/2/1989.
Biến cố lớn nhất xảy ra vào năm 1990, khi Liên Xô tuyên bố họ sẽ đi theo con đường của Hungary. Hai năm sau, Trung Quốc, người bảo trợ và láng giềng hùng mạnh của Triều Tiên, cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào tháng 8/1992.
Giới chức Bình Nhưỡng vô cùng giận dữ khi bị các đồng minh bỏ rơi, bị xúc phạm tại Olympic Seoul và không có khả năng đàm phán với Hàn Quốc về những điều kiện bình đẳng. Lãnh đạo Kim Nhật Thành đã cố gắng đảm bảo sự tồn tại của quốc gia mình bằng cách theo đuổi một hình thức cực đoan: Các chương trình hạt nhân.
Mỹ và Seoul đã kiềm chế việc Triều Tiên theo đuổi một chương trình hạt nhân bí mật bằng thỏa thuận ngừng bắn: Thỏa thuận khung năm 1994.
Cụ thể, Bình Nhưỡng cam kết đình chỉ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy dầu nhiên liệu và hai lò phản ứng hạt nhân. Nhưng khi ông Kim Nhật Thành qua đời ngay trước khi thoả thuận được ký kết, hầu hết mọi người đều tin rằng sẽ sự tồn tại của đất nước Triều Tiên chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy vậy, điều này đã không xảy ra. Bình Nhưỡng đã không sụp đổ như dự đoán.
Thế vận hội Olympic Seoul 1988 đã mang đến cho thế giới một bài học rằng, chiến thắng trên vũ đài thế giới không giúp cải thiện triển vọng hòa bình, đặc biệt nếu một phía là Triều Tiên. Điều này tạo ra những rủi ro mới trên bán đảo Triều Tiên.