Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN sau vụ xả súng tại hộp đêm ở Orlando làm 49 người thiệt mạng, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cho rằng: “Vì một vài lý do nào đó, cộng đồng người Hồi giáo đã không báo cáo lại những trường hợp như vậy”.
Tuy nhiên, giám đốc FBI, James Comey đã phản bác lại ý kiến của ông Trump khi cho biết: “Họ không muốn ai phạm tội, kể cả trong cộng đồng người Hồi giáo và trong đức tin của họ.
Vì vậy, một trong những mối quan hệ có lợi nhất đối với chúng ta là kết thân với những người nhìn thấy và sẵn sàng nói cho chúng ta biết đối tượng cực đoan là ai. Đây cũng là chiến lược hiệu quả của FBI khi duy trì một mối quan hệ tốt với những người như vậy”.
Andrew Ames, phát ngôn viên Cục điều tra Liên bang Mỹ, cho Reuters biết, cơ quan này đang có một mối quan hệ “phát triển nhanh” với cộng đồng người Hồi giáo địa phương. Các đặc vụ FBI hoạt động tại khu vực đã nhận được những báo cáo về các hoạt động tình nghi cùng nhiều vấn đề khác từ các thành viên của cộng đồng này.
Michael Downing, Phó cảnh sát trưởng Phòng Cảnh sát Los Angeles kiêm người đứng đầu Cục hoạt động phòng chống khủng bố, cho hay cộng đồng người Hồi giáo ở đây rất hợp tác với giới chức năng về những đối tượng nghi vấn.
Charles Kurzman, giáo sư ĐH Bắc Carolina, đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của ông Trump. “Nếu nói rằng họ không có sự hợp tác nào là hoàn toàn sau và không công bằng đối với cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ”, ông Kurzman nói.
Theo một nghiên cứu hồi tháng 1/2016 của ông và đồng nghiệp, rất nhiều cơ quan hành pháp ở Mỹ đã đạt được tiến triển trong việc tạo dựng niềm tin với cộng đồng người Hồi giáo địa phương. Tuy nhiên, nghiên cứ cũng chỉ ra một số vấn đề căng thẳng.
Những người tham gia khảo sát cho biết họ không biết khi nào phải báo cáo các hoạt động khi họ chưa chắc chắn về hành động tội phạm nào đó.