Nhiều người cho rằng, người đẹp thì có quyền… chảnh. Tuy nhiên, với những người làm thời trang nghiêm túc thì lại “phán” các người mẫu Việt Nam không phải chảnh mà cho thiếu chuyên nghiệp… Sự thiếu chuyên nghiệp của người mẫu Việt Nam ngày càng lộ rõ. Nhiều người mẫu cho rằng đi casting là làm giảm giá trị của mình và nếu nổi tiếng thì có quyền bỏ show khi… không thích. “Số đo của người mẫu của Việt thường không chuẩn nên mỗi lần tổ chức show chúng tôi đều phải yêu cầu họ đến thử đồ. Còn người mẫu nước ngoài, 10 người chuẩn cả 10 về số đo nên họ không phải thử đồ, nhưng phải tập chương trình. Đó là điều bắt buộc. Trong khi đó, ở Việt Nam, các người mẫu khi đã được chọn thì cho rằng không làm gì phải đến để tập cả”, bà Thúy Nga, Giám đốc công ty người mẫu Elite, cho biết.
Khi người mẫu tự phong quyền
Từ trước tới này, có không ít người mẫu tự cho mình quyền bỏ show mà các nhà tổ chức vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng việc sức chịu đựng nào cũng có giới hạn. Gần đây nhất, “tức nước vỡ bờ”, việc người mẫu được coi là veddette Thanh Hằng đã bị công ty Venus "tố" là thiếu chuyên nghiệp khi tự ý bỏ show vào phút chót. Ông Vũ Khắc Tiệp, Giám đốc Venus, cho biết sáng hôm tập duyệt, Thanh Hằng vẫn có mặt, nhưng buổi chiều trước show diễn, Thanh Hằng nhắn tin hủy show mà không hề đưa ra bất cứ lý do chính đáng nào. Với cách làm của Thanh Hằng đã khiến ông Tiệp đưa ra khá nhiều lời nặng nề để nhận xét về hành động của cô. Không những thế ông Tiệp còn “tố” tiếp: “Đây không phải là lần đầu tiên Thanh Hằng tự cho phép mình hủy show”.
Người mẫu Thanh Hằng bỏ show diễn gần đây bị coi là thiếu chuyên nghiệp.
Ngoài việc tự ý bỏ show, các người mẫu hiện nay còn cho mình cái “quyền”… không việc gì phải đi casting. Trong khi đó, theo bà Thúy Nga, trên thế giới, bất kể là người mẫu bình thường hay siêu mẫu chuyên nghiệp họ đều phải đến casting trước mỗi show diễn. Nếu người mẫu không tuân thủ lời đạo diễn thì ngay lập tức sẽ bị loại và đạo diễn là người có quyền chọn veddette. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, người mẫu nhiều khi rất vô kỷ luật và bị đạo diễn loại, nhưng nhãn hàng lại bảo “thôi bỏ qua đi”. Thế là xong!
Đi casting là hạ thấp mình!
Siêu mẫu Hà Anh cho rằng người mẫu nên tự trang bị cho mình những hành trang cần và đủ cho nghề. Nếu thấy cân nặng của mình chưa đạt chuẩn, Hà Anh thường chủ động báo với đơn vị đại diện là mình sẽ dừng đi casting trong vòng 1 - 2 tuần để điều chỉnh lại số đo. Hà Anh gọi đó là “tự trọng” trong nghề bởi vì hình ảnh cá nhân cũng như danh tiếng của công ty đại diện, mình không thể đi casting trong tình trạng số đo không chuẩn, không mặc vừa đồ. Điều đó là không nghiêm túc và không chuyên nghiệp.
Dù là người mẫu hàng đầu Việt Nam, Hà Anh vẫn đi casting và cho rằng đây là sự tôn trọng nghề nghiệp.
Cũng theo siêu mẫu này, ở Việt Nam, sự đòi hỏi của các thương hiệu với người mẫu không giống như ở nước ngoài. Ở các trung tâm thời trang lớn của thế giới, đồ diễn chỉ có một cỡ nên nếu đến thử đồ, người mẫu không mặc vừa có nghĩa là bị loại. Hoàn toàn không có chuyện người mẫu mặc không vừa, người ta phải đưa size khác hoặc chỉnh sửa lại trang phục. Do đó, số đo vòng hông, eo, ngực được người mẫu luôn luôn giữ gìn, chăm sóc nếu không muốn… thất nghiệp. Ở Việt Nam, nhiều người mẫu nổi tiếng tự cho mình quyền “bể” phom và kết quả là không ít lần, ban tổ chức các show diễn thời trang phải sửa lại trang phục để vừa với các cô.
Khi được hỏi là việc đi casting có phải là hạ thấp mình hay không? Giải đồng Siêu mẫu toàn quốc 2004 - Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh cho rằng việc casting không phải là hạ thấp vì có khách hàng biết mình, nhưng cũng có khách hàng chưa. “Tôi hay làm cho Fujifilm, Lexus và một số hãng khác, ở lần đầu tiên tôi vẫn phải đi casting, còn lần sau, họ có thể chọn tôi luôn, còn những người khác họ chưa tiếp xúc thì vẫn phải gửi hồ sơ và đi casting bình thường. Mình có nổi tiếng đến mấy mà người ta chưa tiếp xúc thì họ vẫn muốn casting. Đấy là sự chuyên nghiệp”, Thùy Linh cho biết.
Theo Đất Việt