Ngày còn sống, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hy vọng đến ngày Khánh Ly trở về Việt Nam để ông được đàn cho bà hát như 10 năm hai người còn gắn bó. Nhưng ước mơ chưa kịp biến thành hiện thực thì ông đã ra đi mãi mãi.
13 năm sau ngày ông mất, bà mới có cơ hội trở về nơi chôn rau cắt rốn. Bà về đầu tiên là để gặp ông, để viếng mộ phần vị nhạc sĩ tài hoa và sau đó là kể những câu chuyện về ông trong live concert tối qua.
Có thể nói, 10 năm rong ruổi với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly là người hiểu ông hơn ai hết. Thế nên, dù không thể cắt nghĩa hết những tác phẩm của ông, bà vẫn có thể đưa nó đi vào lòng người bằng chính giọng hát của mình.
Khánh Ly tâm sự: "Tôi yêu tất cả những ca khúc của Trịnh Công Sơn và mong ước một ngày nào đó được hát khản cổ, hát cho chết luôn cũng được nữa".
Đến với Live concert Khánh Ly tối qua không chỉ có khán giả ở thủ đô mà còn là những người yêu nhạc Trịnh trên khắp cả nước. Có thể nói, với tất cả những người yêu sự dung dị và mộc nhạc trong những nhạc phẩm của vị nhạc sĩ tài hoa, ai cũng ít nhất một lần mong muốn được nghe Khánh Ly hát live.
Và tình yêu đó đã vô tình đặt lên vai nữ ca sĩ 69 tuổi một gánh nặng vô hình. Bà lo lắng, trăn trở đến nỗi từ ngày về Việt Nam cho đến trước khi diễn ra đêm nhạc, Khánh Ly chưa gặp bất kỳ ai, kể cả những người thân trong gia đình. Bà dành tất cả thời gian để chuẩn bị cho live concert và không muốn bận lòng vì bất cứ điều gì khác.
"Tôi xin lỗi vì sự có mặt của tôi làm khổ cho nhiều người quá. Tôi không bao giờ mong muốn như vậy. Ban nhạc rất khổ, những người tổ chức rất khổ. Nhưng nhờ đó, tôi cảm nhận thấy mình đã được yêu thương nhiều như thế nào và cũng cảm nhận được rằng tình yêu đôi khi là gánh nặng cho người được yêu", bà nói.
Khánh Ly thể hiện ca khúc Tình nhớ.
Khánh Ly hát nhạc Trịnh không khắc khoải, không nặng nề mà an nhiên, tự tại. Nữ ca sĩ khiến người nghe có cảm giác như bà đang chiếu lại những đoạn thước phim ngắn về cuộc sống, về những cung bậc cảm xúc đã đến và đi trong cuộc đời người nhạc sĩ.
"Không riêng tôi, tất cả các ca sĩ họ hát vì họ mê hát, không phải vì tiền đâu, cũng không phải cái được gọi là ca sĩ. Đầu tiên là họ hát cho chính họ đã, tâm trạng ngày hôm nay tôi buồn hay vui đều gửi gắm vào các bài hát. Đó là lý do tại sao đã vướng vào cái nghiệp này, không ai có thể bỏ đi. Có nhiều điều không thể nói với ai được, chỉ có thể nói với bài hát thôi. Có lẽ các nhạc sĩ cũng thế, khi họ viết lên bài hát cũng là tâm sự của họ. Họ đau, họ buồn, sung sướng, hạnh phúc... tất cả đều có trong đó.
Tôi yêu những ca khúc Da vàng nhiều hơn cả bởi trong những ca khúc Da vàng có tình yêu, có duyên phận, có quê hương trong đó. Nếu chúng ta chịu khó nghe, chúng ta sẽ thấy hãnh diện là người Việt Nam. Và lúc nào chúng ta cũng xin mãi mãi chúng ta và quê hương được bình an", Khánh Ly chia sẻ.
Dành lời khen cho những gì bà thể hiện trên sân khấu tối qua e rằng quá thừa thãi bởi nhạc Trịnh từ lâu đã như máu xương, như hơi thở của bà. Khánh Ly không chỉ đến với khán giả bằng những ca từ quen thuộc trong những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như Diễm xưa, Biển nhớ, Tuổi đá buồn,... mà còn giúp người nghe hiểu hơn về nó và mở lối để họ có thể chạm vào một góc tâm hồn của người nghệ sĩ.
"Tôi yêu lắm lắm bài Hạ Trắng. Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau. Một lời nói thôi mà gửi gắm trong đó biết bao nhiêu là tình nghĩa. Bởi vì tình yêu có thể đi qua trong đời của mỗi chúng ta nhưng cái nghĩa khi bắt đầu đã có và cái nghĩa nằm lại mãi mãi. Xin các bạn trẻ hãy giữ mãi cái nghĩa này", Khánh Ly chia sẻ.
Và cũng chẳng có bấy nhiêu người hiểu được những ca từ trong bài Quỳnh Hương dù nhiều người đã thuộc nằm lòng ca khúc ấy. "Hai người yêu nhau chở nhau trên chiếc xe đạp, họ kể cho nhau nghe một chuyện gì đó và cả anh chị đều cười. Đó là nụ cười khúc khích trên lưng. Bởi vì nàng nghe được tiếng cười của chàng và chàng cũng nghe được tiếng cười của nàng.
Đêm từng đêm buồn bã chứ không phải là vồn vã, buồn bã là vì đó là nụ hôn chia tay. Gặp nhau nhiều khi người ta không hôn nhau đâu, người ta chỉ hôn chia tay thôi. Không gì vui, cuộc gặp gỡ chưa chắc đã là hạnh phúc, đã là vui thì tôi xin em hãy gắng nhớ đôi lần".
Khoảnh khắc xúc động ngày trở về của Khánh Ly.
Nhìn thấy Khánh Ly bằng xương bằng thịt đứng trên sân khấu, ắt hẳn không ít người đã tham lam hy vọng rằng ở bên cạnh bà bấy giờ có người nhạc sĩ tài hoa và cây đàn guitar từng theo họ đến khắp mọi nẻo đường.
Khánh Ly không còn trẻ nữa, bà đã ở tuổi 69, cái độ tuổi không còn ngây ngô, trong trẻo đến mức tháo giày cao gót để đứng hát chân trần bên nhạc sĩ xứ Huế. Mà ngay cả dù có muốn, đó cũng là điều bà không thể nào thực hiện được.
Khánh Ly tiếc nuối vì đã không song hành cùng người nhạc sĩ ấy lâu hơn nữa, không thể rong ruổi, mang tiếng hát đến mọi ngõ ngách như bà đã từng mong muốn. "Cuộc tình" của họ đã chấm dứt sau 10 năm để rồi khi gặp lại, họ ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi.
Đó là định mệnh, và hôm nay cũng chính cái định mệnh ấy đã đưa bà trở về sau nhiều năm xa cách. Dù cho cuộc gặp gỡ này có đầy vội vã và để lại nhiều tiếc nuối nhưng ít nhất, Khánh Ly đã được hát chính trên mảnh đất quê hương và những người mê mẩn giọng hát liêu trai ấy đã được một lần được thỏa nguyện.
Khánh Ly phiêu cùng Hà Anh Tuấn nhạc phẩm Xin cho tôi. Khi biết Hà Anh Tuấn thường hát nhạc xưa, Khánh Ly đã chủ động mời anh hát cùng bà trong đêm nhạc. Đây có thể nói là một vinh dự cho chàng ca sĩ trẻ.
Bản song ca cùng Quang Thành cũng để lại nhiều ấn tượng.
Khoảnh khắc rất "nhiệt' của Khánh Ly bên Hà Anh Tuấn và giọng ca Thái Châu.
Khánh Ly kết hợp với Tuấn Ngọc bài hát Hãy yêu nhau đi. Tâm sự về Khánh Ly, danh ca chia sẻ: "Chúng tôi quen nhau từ ngày còn rất bé, khi hai đứa hát trong ban nhi đồng. Lớn lên, chúng tôi cũng đi hát với nhau rất nhiều nên ít nhiều tôi cũng hiểu về con người của Khánh Ly. Tôi hiểu đêm nay Khánh Ly rất vui, rất hạnh phúc. Hơn 60 năm trở về và được quý vị thương yêu như thế này thì tại sao không hạnh phúc được chứ".
Khánh Ly song ca Niệm Khúc cuối cùng Thái Châu.