Khánh Ly của ngày xưa. Khánh Ly của bây giờ. Người ta vẫn nhớ, người ta vẫn yêu, vẫn chờ mong cơ hội được nghe bà hát trong ngày trở về quê hương. Giọng hát trầm khàn đầy khắc khoải hoài niệm ấy vấn vương bao thế hệ người nghe nhạc.
Khắc họa về bà, người ta chỉ nhẹ nhàng đặt ngay cái tên “Trịnh Công Sơn” bên cạnh. Khánh Ly hát nhạc Trịnh, Trịnh sáng tác để được nghe Khánh Ly thể hiện. Hai con người ấy không phải là một cặp uyên ương yêu nhau mà chỉ là cặp tình nhân trong âm nhạc. Thế nhưng người ta đã quên mất một Khánh Ly rất khác, một Khánh Ly khi không Trịnh.
Khánh Ly không Trịnh là Khánh Ly với những bản tình ca, những ca khúc tiền chiến của Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Đình Toàn, Trầm Tử Thiêng,…Vẫn là Khánh Ly, vẫn giọng ca trầm, chầm chậm như cuốn phim đen trắng lần lượt dẫn dắt người nghe vào những khoảng khắc của thời đại. Nhưng không còn là những triết lý tầng lớp của Trịnh, cũng không còn là những bay bổng đầy thơ của Huế mộng mơ mà là bài tình ca cháy bỏng thời thượng của một Sài Gòn với những quán café châu Âu cổ điển
1. Khánh Ly với nhạc Phạm Duy
Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy, người ta thường chỉ nói đến Thái Thanh. Thái Thanh là em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong số các ca sĩ hát nhạc Phạm Duy, bà là người thành công nhất. Thái Thanh sở hữu giọng ca sáng, cao, kỹ thuật luyến láy điêu luyện được đánh giá là vượt trội còn hơn cả Khánh Ly. Khi Thái Thanh thể hiện nhạc phẩm của Phạm Duy, người ta thấy cả hơi thở quê hương, từ cánh đồng đến nơi đô thị, từ nơi yên bình đến nơi trận mạc. Trong giọng hát khi mạnh mẽ khi lại tinh tế, nhẹ nhàng của một cô gái Hà Thành.
Khác với Thái Thanh, khi Khánh Ly thể hiện những nhạc phẩm của Phạm Duy, người ta lại cảm nhận thấy sự nồng nàn, da diết đầy mãnh liệt. Như trong nhạc phẩm Còn gì nữa đâu, chất giọng khàn đặc trưng và một chút vị ngà ngà của một người vô định trong tình yêu, Khánh Ly đầy khắc khoải, đầy nỗi niềm với mối duyên tình dang dở
Còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau
Bóng dáng yêu từ lâu đã trôi mau về đâu
Trong giấc mơ nghèo tình đã nhạt màu
Còn gì nữa đâu mà oán trách nhau
Có quên mau cuộc sầu
Có nuôi bao tình sâu thì lòng vẫn đau…
Đôi lúc trong giọng hát của bà, người ta lại cảm thấy sự ma mị huyền ảo khiến bản thân chợt rùng mình lạnh lẽo. Trong bài Bên ni bên nớ, mở đầu bài hát, Khánh Ly dẫn dắt người nghe bước theo chiếc xe lăn chậm ngắm nhìn thành phố phía xa, đi qua những nơi hoang vắng, để rồi chỉ lắng nghe được những âm thanh mộc xa dần xa dần
Ðêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người, người xa vắng ngườị...
Khi đương thời, Phạm Duy đã từng nói về album mà ông hợp tác cùng Khánh Ly: “Những bài hát đó nghe rất hay vì phù hợp với giọng ca Khánh Ly. Có bài tôi hát chung với Khánh Ly mà bản thân tôi nghe đi nghe lại hoài không chán lỗ tai”. Đủ để thấy rằng nhạc sĩ đã yêu mến và ưu ái giọng ca đặc biệt này như thế nào. Ít ai biết rắng bài hát đầu tiên mà Khánh Ly hát trên sân khấu để dự thi khi còn trẻ, đồng thời mang về cho chị giải thưởng quý giá lúc bấy giờ chính là nhạc phẩm Ngày trở về của Phạm Duy.
2. Khánh Ly với Nguyễn Ánh 9
Thật thiếu xót cho những ai yêu giọng ca Khánh Ly mà không biết đến những nhạc phẩm tuyệt vời của Nguyễn Ánh 9 do bà thể hiện. Tôi chắc chắn rằng có một bài hát mà tất cả người Việt Nam ai cũng biết nhưng không phải ai cũng nhớ tên và tác giả. "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa, em ơi..."
Ca khúc này được ra đời theo lời đề nghị của Khánh Ly. Trong một lần kết thúc biểu diễn tại hội chợ Osaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy Nguyễn Ánh 9 thoáng nét buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó.
Sẵn cây đàn ghi ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...".
Và ngay sau khi về Việt Nam, với lời đề nghị của Khánh Ly, nhạc sĩ đã hoàn thành ca khúc này. Người thể hiện ca khúc đầu tiên cũng chính là Khánh Ly. Nồng nàn, mãnh liệt, giọng hát đầy sức nặng của Khánh Ly đã bộc tả thành công những xúc cảm đột phá của nhạc phẩm này. Mỗi lần nghe ca khúc này qua giọng của Khánh Ly, tôi lại nhìn thấy một phòng trà ấm cúng, cùng với tiếng đàn dương cầm cổ điển và tiếng kèn saxophone, có một nữ ca sỹ đang cháy rực lửa với bản tình ca bất hủ ấy.
Khánh Ly và Nguyễn Ánh 9 vốn là 2 người bạn thân của nhau. Ông là người đệm đàn cho rất nhiều buổi biểu diễn của Khánh Ly nên có thể coi là ông là một người vô cùng yêu và hiểu Khánh Ly. Ngoài Buồn, một ca khúc nữa cũng được Khánh Ly thể hiện rất thành công đó chính là Mùa thu cánh nâu.
Mùa thu cánh nâu - Khánh Ly
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHAVẫn là những giai điệu nhẹ nhàng mê đắm lòng người, đầy nồng nàn đầy mê hoặc, quả là quá thích hợp với một người yêu nhạc cổ điển. Chân dung Khánh Ly qua các nhạc phẩm Nguyễn Ánh không phải ma mị, khắc khoải, đầy nỗi niềm như nhạc Phạm Duy mà vô cùng lãng mạn và đậm đặc hương vị tình ái.
Có thể nói, sau Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và Nguyễn Ánh 9 là hai nhạc sỹ gắn liền nhất với cuộc đời âm nhạc của Khánh Ly. Ngoài ra còn có rất nhiều những nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác mang lại thành công cho bà như Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đình Toàn, Anh Bằng,…. Mỗi nhạc sĩ mang mỗi màu sắc riêng phong cách riêng. Và tất cả đều được Khánh Ly khắc họa vô cùng thành công.
Trong mỗi bài hát, Khánh Ly lại thêm vào đó chút đậm đặc, chút gia vị của thời đại. Thế nên mỗi khi nghe bà hát các ca khúc nhạc vàng, người ta lại hồi tưởng lại, suy ngẫm lại nhiều hơn. Từ những bài ca hào hùng dân tộc, đến những bài hát tình yêu buồn da diết đều được Khánh Ly thể hiện rất thành công. Nếu chỉ biết đến Khánh Ly qua các nhạc phẩm của Trịnh thì quả thật là thiếu xót. Phải nghe Khánh Ly hát Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9,… mới thấy được sự tài hoa, sự cảm nhận âm nhạc tuyệt vời của người phụ nữ ấy. Thế nên Khánh Ly mới trở thành một trong 3 diva nổi tiếng của Sài Gòn thời đó.
Nếu là fan hâm mộ của giọng ca Khánh Ly, các bạn hãy thử lắng nghe một Khánh Ly rất khác. Một Khánh Ly khi không Trịnh, vẫn dạt dào, nồng nàn , khắc khoải hoài niệm và không kém phần ma mị quyến rũ.