Giải mật: UAE rút khỏi Yemen, tránh né xung đột với Iran hay chuẩn bị tham chiến ở Libya?

Hoài Giang |

Chỉ chưa đầy một tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về khả năng can thiệp quân sự vào Libya, UAE tuyên bố rút quân khỏi Yemen.

Ngày 4/7, tờ Eurasia Review xuất bản bài viết "Phân tích việc UAE rút khỏi Yemen: Quản lý các liên minh và các mối đe dọa" (UAE Withdraws From Yemen: Managing Alliances And Reputational Threats – Analysis) của tác giả James M. Dorsey.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về xung đột tại khu vực Trung Đông nói chung và vị trí của UAE trong cuộc chiến Yemen đang diễn ra nói riêng, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Mỹ-Iran chuẩn bị xung đột, UAE "tháo thân" khỏi Yemen

Ngày 2/7, truyền thông phương Tây đưa tin các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đơn phương rút phần lớn lực lượng (nằm trong Liên minh quân sự do Arab Saudi lãnh đạo) khỏi Yemen.

Việc UAE rút quân đã làm sáng tỏ những thực tế khó khăn về địa chính trị ở khu vực Trung Đông và cho thấy rằng nước này đang chuẩn bị cho khả năng đối đầu quân sự giữa Mỹ với Iran.

Nó cũng phản ánh sự khác biệt trong cách tiếp cận của Arab Saudi và UAE đối với cuộc xung đột tại Yemen.

Giải mật: UAE rút khỏi Yemen, tránh né xung đột với Iran hay chuẩn bị tham chiến ở Libya? - Ảnh 1.

UAE (màu cam) cùng với Kuwait, Arab Saudi và Qatar nằm đối diện với Iran (màu xanh) ở bên kia Vịnh Ba Tư, nếu không có phương án dự phòng và ngoại giao khôn khéo thì nước này sẽ sớm "trở thành bình địa" khi chiến tranh Mỹ (Arab Saudi) - Iran diễn ra.

Khác với Arab Saudi, UAE rất quan tâm tới vị thế quốc tế trong bối cảnh những chỉ trích về thương vong dân sự ở Yemen và sự hỗ trợ từ chính quyền của TT Mỹ Trump có thể sẽ là không đủ để bảo vệ các đồng minh vùng Vịnh khỏi thiệt hại uy tín.

Là một phần quan trọng của khu vực và quốc tế, UAE cũng rất muốn tiếp tục duy trì vị thế là một hình mẫu phát triển cho giới trẻ Arab và quốc gia phù hợp để lưu trú.

UAE tương phản rõ rệt với Arab Saudi, một quốc gia "bảo thủ" và là người canh gác hai thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi là Mecca và Medina. Với việc rút quân, UAE có thể cho phép sự khác biệt với Arab Saudi trở nên rõ ràng hơn.

Dù vô tình hay cố ý, việc rút quân đã phơi bày Arab Saudi và Thái tử Mohammed Bin Salman, là những kẻ chủ mưu của cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Hoạt động chủ yếu ở phía bắc, Arab Saudi tập trung vào việc chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn còn UAE ủng hộ phe ly khai Nam Yemen và hướng mục tiêu vào các nhóm vũ trang liên quan đến al-Qaeda.

Giải mật: UAE rút khỏi Yemen, tránh né xung đột với Iran hay chuẩn bị tham chiến ở Libya? - Ảnh 2.

Lực lượng ly khai miền nam Yemen do UAE hậu thuẫn.

Mặc dù UAE rút phần lớn quân đội của mình khỏi các khu vực trọng yếu ở Yemen, nhưng họ đã bàn giao địa bàn cho lực lượng địa phương được Dubai đào tạo và sẽ tiếp tục tham chiến. Ngoài ra UAE vẫn tiếp tục duy trì căn cứ Al-Mukalla cho các hoạt động chống khủng bố.

Tuy rút quân, nhưng UAE vẫn thực thi các chính sách quyết đoán bằng cách quản lý một chuỗi các cảng quân sự và thương mại ở Yemen, trên bờ Biển Đỏ của Châu Phi và ở vùng Sừng châu Phi cùng với các đồng minh địa phương.

Việc này được cho là chuẩn bị cho phương án mới nhất để di tản người UAE trong trường hợp chiến tranh khu vực nổ ra, nếu kịch bản này thành sự thật thì UAE và Arab Saudi có thể sẽ trở thành các bãi chiến trường.

Giải mật: UAE rút khỏi Yemen, tránh né xung đột với Iran hay chuẩn bị tham chiến ở Libya? - Ảnh 3.

Lãnh đạo lực lượng LNA ở Libya Tướng Khalifa Haftar, Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohamed bin Zayed và Tổng thống Ai Cập Abdul Fatah Sisi trong một buổi lễ diễn ra năm 2017.

Kiềm chế với Iran và ngầm chuẩn bị đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya

Sự khác biệt quan điểm giữa UAE và Arab Saudi là rất rõ ràng trong những tuần gần đây về vấn đề khủng hoảng Iran. UAE đang kiềm chế đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở Vịnh Oman.

UAE rút khỏi cuộc can thiệp vào Yemen sẽ giúp "hạ nhiệt" căng thẳng với Iran (Iran bị cáo buộc hậu thuẫn lực lượng Houthi), và có thể giảm bớt nguy cơ các đô thị UAE bị cả Iran lẫn Houthi leo thang tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái tự sát trong tương lai.

Việc rút quân khỏi Yemen cũng là cơ hội để thể hiện sự quyết tâm theo đuổi cũng như chuẩn bị quân sự của UAE trong việc hỗ trợ lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ở Libya.

Giải mật: UAE rút khỏi Yemen, tránh né xung đột với Iran hay chuẩn bị tham chiến ở Libya? - Ảnh 4.

Lực lượng dân quân trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) phát hiện ra tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất tại một trong những căn cứ cũ của LNA. Các vũ khí này được đóng gói trong các container vận chuyển xác định chúng được viện trợ bởi UAE.

Điều này đặc biệt quan trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ - đối thủ lớn nhất của Arab Saudi và UAE ở Bắc Phi đang đe dọa can thiệp vào Libya.

Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng ở Libya bằng một cuộc can thiệp quân sự như Tổng thống Erdogan cảnh báo gần đây, UAE và các đồng minh khác của LNA như Ai Cập, Arab Saudi, Sudan chắc chắn không thể bỏ mặc đồng minh của mình bị đè bẹp.

Và ở hiện tại, quốc gia này nhanh chóng rút khỏi cuộc chiến Yemen để chuẩn bị cho tất cả các khả năng đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya.

Có thể thấy rõ, bằng quyết định rút quân khỏi Yemen UAE đã thực thi "thượng sách" trong bối cảnh hai cuộc xung đột cấp khu vực và thế giới đang tiềm tàng phía sau "lằn ranh đỏ" vô hình.

James M. Dorsey là một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.

Ngày 3/7, cảnh quay cho thấy trực thăng vũ trang Mi-35 của lực lượng LNA bay qua hàng đoàn xe cơ giới chuẩn bị cho đợt tấn công mới vào Tripoli.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại