Sáng 8/1, Iran đã phóng khoảng 12 tên lửa vào hai mục tiêu quân sự của Mỹ ở Iraq để đáp trả vụ việc chỉ huy quân đội cấp cao Qassem Soleimani bị ám sát tuần trước.
Cái chết của tướng Soleimani - một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Iran - được cho là hành động cực kỳ khiêu khích và Iran đã biến cam kết đáp trả của mình thành hiện thực.
Phản ứng trước động thái táo bạo của Iran, Tổng thống Donald Trump khẳng định "mọi việc đều ổn" và nói rằng ông sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức vào ngày mai.
Theo các nhà phân tích, sự dè dặt trong phản ứng của chính quyền Trump có thể là dấu hiệu hy vọng cho thấy cuộc xung đột Mỹ-Iran có thể hạ nhiệt sớm, thay vì có các đòn ăn miếng trả miếng tiếp theo.
Ngoài ra, giới quan sát cũng tin rằng đòn đáp trả của Iran lần này không hẳn là một hành động khai mào chiến tranh, khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhanh chóng thông báo chiến dịch trả đũa đã kết thúc.
Cuộc tấn công của Iran mang thông điệp gì?
Lúc này, một số câu hỏi đã được đặt ra. Cuộc tấn công của Iran có ý nghĩa gì? Vì sao Tổng thống Trump lại phản ứng thận trọng như vậy? Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ilan Goldenberg, giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington đánh giá, tình hình có vẻ như không cận kề chiến tranh như nhiều người lo ngại.
"Tổng thống Mỹ đã không có bài phát biểu tuyên bố đáp trả ngay lập tức. Điều này có thể suy ra hai ý nghĩa. Một là Nhà Trắng đang suy tính một cách cẩn thận thay vì có hành động vội vã. Điều này được coi là tích cực", chuyên gia Goldenberg nói với VOX.
"Thứ hai, Mỹ chưa đánh giá thiệt hại chính xác của cuộc tấn công và ý nghĩa của cuộc tấn công này là gì. Nhưng nếu tình hình thực sự nghiêm trọng thì ông Trump đã xuất hiện trên TV ngay lập tức. Vì vậy, tôi cho rằng Mỹ cảm thấy cuộc tấn công này không có gì quá nghiêm trọng".
Kể từ sau cái chết của tướng Soleimani, thế giới đã theo dõi và chờ đợi xem Iran sẽ phản ứng thế nào với Mỹ. Về cơ bản cuộc tấn công này đã có sự suy tính cẩn thận.
"Đây không nhất thiết là toàn bộ phản ứng của Iran. Nó có thể chỉ là phản ứng cơ bản ở thời điểm hiện tại. Iran cần phải làm một cái gì đó một cách nhanh chóng, một cái gì đó mang tính biểu tượng, một cái gì đó công khai cho thấy việc sát hại tướng Soleimani phải trả giá như thế nào", chuyên gia Ilan Goldenberg nhấn mạnh.
Quân lực Mỹ phân bổ ở Trung Đông.
Trong tuyên bố từ phía Iran, nước này tuyên bố có ít nhất 30 người Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công. Tuy nhiên, đây được coi là con số chưa được kiểm chứng và được cho là để Iran trấn an dư luận trong nước.
Hiện tại, phía Mỹ vẫn chưa thống kê con số thương vong, nhưng có ý kiến cho rằng 12 tên lửa mà Iran phóng vào căn cứ giữa sa mạc được cho là một cuộc tấn công quy mô nhỏ và dường như không gây thương vong cho ai, hoặc Iran cố tình hạn chế số người chết ở mức tối thiểu. Có thể nói, Iran không muốn gây ra một cuộc chiến toàn diện.
Mỹ và Iran có chiến tranh hay không?
Với những phân tích ở trên, giới quan sát tin rằng cuộc tấn công của Iran chỉ mang tính chất biểu tượng là chính. Nó không mang hàm nghĩa khai chiến. Mỹ cũng hiểu rõ điều này và sẽ không có động thái nối dài căng thẳng.
"Có hai điều cần theo dõi lúc này. Về phía Mỹ, đội an ninh quốc gia của tổng thống đã có một cuộc họp tại Nhà Trắng. Chúng ta sẽ thấy một phản ứng của người Mỹ trong vài ngày tới hoặc có thể sẽ là một sự im lặng đến ngạc nhiên", chuyên gia Goldenberg nêu quan điểm.
"Về phía Iran, câu hỏi ở đây là liệu đòn trả đũa của họ đã xong hay chúng ta sẽ có một làn sóng tấn công khác vào ngày mai? Tôi nghĩ rằng họ đã hoàn thành xong. Tôi thực sự hy vọng họ đã hoàn thành hành động trả đũa của mình", ông nói.
Về câu hỏi có chiến tranh hay không sau vụ ám sát tướng Soleimani, chuyên gia Goldenberg tin rằng nó phụ thuộc vào phản ứng tiếp theo của Mỹ.
"Hiện tại, chúng ta sẽ không có chiến tranh mặc dù đang bước vào tình huống leo thang. Một cuộc chiến sẽ cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ".