“Hiện đơn vị đã trình UBND TP Hà Nội ba phương án giá vé cho tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông , trong đó ưu tiên phương án 2 với bình quân hành khách đi khoảng 5-6 km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 3% (hiện vé lượt xe buýt thông thường tại nội đô Hà Nội là 7.000 đồng/lượt - PV), còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn hẳn…”.
Đó là thông tin được ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến về đường sắt đô thị Hà Nội do UBND TP Hà Nội và báo Kinh Tế Đô Thị tổ chức ngày 26-9.
Ông Trường khẳng định giá vé tuyến đường sắt trên được TP trợ giá nên phù hợp với thu nhập người dân.
“Đặc biệt, người dân đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu, không cào bằng như xe buýt” - ông Trường nói và cho biết việc xây dựng chính sách giá vé đã được Hà Nội chuẩn bị trong vòng ba năm, có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông Trường cũng khẳng định giá vé đơn vị đề xuất không phải để cạnh tranh với các loại hình công cộng khác mà nhằm mục đích thu hút người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Về vấn đề giao thông kết nối, ông Vũ Hồng Trường cho biết năng lực thiết kế của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến.
Như vậy có khoảng 160.000-180.000 hành khách/ngày, gấp 10 lần tuyến xe buýt nhanh BRT nên Hà Nội đã lên phương án giải tỏa nhanh lượng hành khách xuống tại các nhà ga và tiếp cận nhà ga.
Cụ thể, Hà Nội đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị trong khoảng cách 100-500 m dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông.
Bên cạnh đó, cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt, hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ… Đặc biệt, bố trí tám bãi gửi xe cho các phương tiện cá nhân của hành khách đi tàu dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT TP Hà Nội), cho biết thêm trên hành lang tuyến đường sắt sẽ có hơn 30 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến đầu cuối được tăng cường lượng xe.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch liên quan tới công tác tích hợp các phương tiện công cộng với tuyến đường sắt đô thị.
“Có thể khẳng định rằng để vận hành tốt tuyến đường sắt đô thị một cách hiệu quả, phương tiện xe buýt đóng một vai trò quan trọng, điển hình như việc thu hút và giải tỏa hành khách xuống từ các nhà ga.
Việc vận hành tốt các tuyến xe buýt cũng là cơ hội giúp tăng số lượng hành khách tham gia tuyến đường sắt đô thị…” - ông Hải khẳng định.
Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống metro Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km (75,6 km đi ngầm và 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi ngầm). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỉ USD. UBND TP Hà Nội cho biết TP đang quy hoạch chín tuyến metro, gồm tuyến số 1 (Ngọc Hồi-Yên Viên); tuyến số 2 (Nội Bài-Hoàng Quốc Việt); tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông); tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Hoàng Mai); tuyến số 4 (Mê Linh-Liên Hà); tuyến số 5 (Văn Cao-Hòa Lạc); tuyến số 6 (Nội Bài-Ngọc Hồi); tuyến số 7 (Mê Linh-Dương Nội); tuyến số 8 (Sơn Đồng-Dương Xá). Khi hoàn thành, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông vận tải thủ đô, đem đến rất nhiều cơ hội phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội. |