Thời điểm đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến giá lợn hơi trên thị trường tăng phi mã, có nhiều thời điểm chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg hơi. Trong khi đó, thịt lợn chiếm hơn 60% trong rổ chỉ số nhóm thực phẩm.
Tuy nhiên, giải pháp từ tái đàn, nhập khẩu thịt lợn và lợn sống từ Thái Lan đã giúp giá lợn hơi trong nước nhanh chóng hạ nhiệt vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2020 xuống xung quanh 65.000 - 75.000 đồng/kg. Ổn định được nguồn cung hạ giá thịt lợn góp phần vào việc giữ chỉ số CPI của Việt Nam năm 2020 ở mức dưới 4%.
Giá thịt lợn sẽ không tăng đột biến dịp cận Tết?
Về giá thịt lợn dịp cận Tết, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tổng đàn lợn toàn quốc phục hồi trên 88% so với trước.
Cục Chăn nuôi vừa kiểm tra, rà soát tại nhiều vùng chăn nuôi lớn, trọng điểm thì đúng là có nơi giá lợn hơi lên 83.000 - 85.000 đồng/kg nhưng đó là do mua đi bán lại qua nhiều cấp đại lí trung gian, còn giá xuất chuồng chung ở cả 3 miền đang dao động 78.000 - 82.000 đồng/kg.
"Giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến như Tết năm 2020 bởi với tổng đàn lợn trên 27,3 triệu con về cơ bản là chủ động được thực phẩm dịp Tết" - ông Trọng nói.
Trước diễn biến giá lợn hơi tăng trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chưa phải quá lo lắng, bởi theo quy luật thị trường, bao giờ gần tới Tết, không chỉ thịt lợn mà hầu hết các mặt hàng thực phẩm khác đều có xu hướng tăng do nhu cầu tăng cao.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến thời điểm này có thể khẳng định không có gì quá lo lắng về cung cầu lương thực, thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bởi sản lượng đang rất dồi dào. Trong đó, thủy sản đạt mốc trên 8,4 triệu tấn; về chăn nuôi đạt 5,4 triệu tấn thịt, trong đó thịt lợn đạt 3,48 triệu tấn.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy nhiều địa phương chủ động dự trữ cho Tết, nguồn cung đều tăng 10 - 20% so với ngày thường nên có thể yên tâm về lương thực, thực phẩm dịp Tết" - Thứ trưởng Tiến cho biết.