Gazprom tiếp tục ‘tống tiền’ châu Âu?

Thanh Bình |

Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Alexey Orzhel cho biết, châu Âu có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt và đây là chủ đích của Nga.

Giá khí đốt lên cao ở Châu Âu, dư luận cáo buộc Gazprom đang cố tình không cung cấp khí đốt. (Ảnh: RIA)

Giá khí đốt lên cao ở Châu Âu, dư luận cáo buộc Gazprom đang cố tình không cung cấp khí đốt. (Ảnh: RIA)

Theo ông Orzhel, Moscow "cố tình" không bơm khí đốt vào các cơ sở lưu trữ của châu Âu là hành động vì lợi ích của mình. Nga đang đưa ra cho châu Âu một tối hậu thư hoặc vận hành Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) với khí đốt giá rẻ, hoặc xảy ra các vấn đề với nguồn cung cấp nhiên liệu qua Ukraine.

Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine cho rằng, Nga đang tạo điều kiện để được cấp chứng nhận đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

"Theo logic của Nga, trong điều kiện như vậy việc chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ diễn ra trong một môi trường tối ưu hơn cho Gazprom. Viễn cảnh này cũng được chứng minh bằng việc hiện nay các kho chứa của tập đoàn Nga ở các nước châu Âu có ít khí đốt nhất", ông Orzhel nói với kênh truyền hình Ukraine 24.

"Tất cả chúng ta đều biết rằng Gazprom không làm bão hòa thị trường châu Âu và họ đang làm điều này với mục đích là vào đầu tháng 10 năm nay Nord Stream 2 sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, sau đó tiến tới việc cấp giấy chứng nhận vận hành đường ống sẽ dễ dàng hơn", ông Orzhel nói.

Ngoài ra, thực tế là hiện nay trong các kho chứa của châu Âu có lượng khí đốt rất ít. Nhiều khả năng Nga đang muốn thực hiện kịch bản nêu trên.

"Bây giờ trữ lượng rất ít là ở các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu do Gazprom điều hành. Tôi nghĩ rằng phương án này đang được phát triển ở Nga và sẽ được thực hiện", ông Orzhel nhấn mạnh.

Theo cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu, các cơ sở lưu trữ của Gazprom ở Áo, Đức và Hà Lan hiện chứa khoảng 1,8 tỉ mét khối khí đốt. Trong khi tổng khối lượng thiết kế là 10 tỉ mét khối khí.

Thiếu khí đốt ở Châu Âu

Gần đây, giá khí đốt đã tăng vọt trên thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Chi phí cho một nghìn mét khối khí đốt đang tăng lên, mức giá đã vượt qua mức kỷ lục của năm 2008. Tình hình này có liên quan tới các hành động của Gazprom khi công ty này đang trong tình trạng khủng hoảng đối với châu Âu do tập đoàn của Nga từ chối cung cấp thêm khí đốt thông qua mạng lưới vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS).

Mới đây, hôm 16/8, sau khi Gazprom từ chối dự trữ công suất bổ sung của GTS Ukraine để bơm khí sang châu Âu, giá nhiên liệu đã lên 585 USD/nghìn mét khối.

Phản đối với hành động của Gazprom, tập đoàn dầu khí Naftogaz của Ukraine tuyên bố rằng Gazprom đang "tống tiền" châu Âu.

Trước đó, theo các nhà quản lý của Nga thì các cơ sở lưu trữ của châu Âu "không thể lấp đầy bằng bất kỳ cách nào". Nguyên nhân thiếu hụt trầm trọng phía Nga đưa ra là do Châu Âu cần "nhiên liệu xanh" trong các cơ sở lưu trữ khí đốt. Tình trạng này sau một mùa đông lạnh giá đã diễn biến phức tạp bởi một mùa hè rất nóng. Việc thu hồi khí chậm hơn so với kế hoạch do tiêu thụ năng lượng để làm lạnh tăng lên.

Một nguyên nhân nữa khiến Châu Âu thiếu khí đốt được giải thích là do tình trạng thiếu khí đốt hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới. Hơn nữa, khi giá ở châu Á tăng, châu Âu ngày càng có ít nguồn cung cấp LNG hơn.

Nguồn cung cấp nhiên liệu điều chỉnh từ các cảng châu Âu cho hệ thống vận chuyển khí đốt vào tháng 7/2021 giảm 23% so với tháng 7/2020 và giảm 30% so với tháng 7 của thời kỳ tiền khủng hoảng 2019. Do đó, giá trên thị trường châu Âu đã vượt quá 500 USD/nghìn mét khối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại