Đại dịch Covid-19 đang tàn phá thế giới. Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ sụt giảm đáng kể. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã dự đoán một bức tranh kinh tế ảm đạm với những dự báo rằng mức tăng trưởng kinh tế 2.9% năm ngoái sẽ có thể bị đảo ngược xuống -3% trong năm nay – mức thấp nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.
Covid-19 vốn không chỉ tác động đến kinh tế mà còn có khả năng đẩy mạnh sự cạnh tranh trong vấn đề địa chính trị. Tuy nhiên, có vẻ như đại dịch sẽ không thể làm Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng và mối quan hệ Nga – Trung cũng không có dấu hiệu bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục quở trách Trung Quốc vì đã giấu dịch. Ông Trump thậm chí đe dọa sẽ cắt đứt giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã được kí vào đầu năm nay. Nếu điều này thực sự xảy ra, đó sẽ là giọt nước tràn ly cho nền kinh tế thế giới vốn dĩ đã đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mỹ và các đồng minh đang tìm cách chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, qua đó ngày càng làm xấu đi mối quan hệ vốn đã như thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ đã nhắm tất cả các chỉ trích vào Trung Quốc và khiến cuộc đối đầu càng mang nặng tính đối đầu trong ý thức hệ.
Đại dịch Covid-19 là mảnh đất màu mỡ cho nhiều cuộc tranh luận của các quan chức Mỹ với Trung Quốc, Nga và Iran – những nơi Mỹ cho là đã phổ biến các thông tin chưa chính xác về nguồn gốc của dịch bệnh. Trong cuộc chiến tìm ra nguồn gốc đại dịch, Mỹ muốn hợp tác với những quốc gia dân chủ chung chí hướng.
Với tất cả những động thái trên, Mỹ đang đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc hơn.
Mỹ - Trung và khoảng "thời gian trăng mật" những năm 1970
Vào đầu những năm 1970, quan hệ Mỹ - Trung đã tận hưởng quãng thời gian "trăng mật" khi mối quan hệ giữa Liên Xô với cả hai nước trên đều trên đà suy thoái.
Câu chuyện bắt đầu vào cuối những năm 1950 với cuộc xung đột chính trị và ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô, kéo theo một chuỗi các cuộc đổ lỗi: Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã chỉ trích ông Mao Trạch Đông về cuộc tranh chấp biên giới năm 1959 và Chiến tranh biên giới năm 1962 với Ấn Độ.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Trung lại có nhiều tín hiệu tích cực, đánh dấu bằng chuyến viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972.
Cái bắt tay lịch sử của ông Nixon và ông Mao Trạch Đông năm 1972 (Ảnh: U.S. National Archives)
Mỹ hàn gắn Nga - Trung
Ngày nay, Mỹ lại chính là "chất keo" gắn kết Nga - Trung. Năm ngoái, mối quan hệ Nga – Trung đã đạt tới mức chiến lược khi Moscow hỗ trợ Bắc Kinh trong việc xây dựng hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của Trung Quốc.
Về kinh tế, năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên tới 200 tỷ đô la vào năm 2024. Đại dịch đã khiến cho những kế hoạch gặp phải thách thức lớn, và có thể sẽ cần được xem xét lại.
Tuy nhiên, trong quý đầu năm nay, bất chấp những cú sốc về cung – cầu do đại dịch gây ra, kim ngạch thương mại Nga – Trung vẫn tăng 3.4% - là kết quả của con số xuất khẩu (từ Nga sang Trung Quốc) đáng kinh ngạc 17%. Trong khi đó, kim ngạch của Trung Quốc và EU giảm 10%, Trung Quốc và Mỹ giảm 18%, Trung Quốc và Nhật Bản giảm 8%.
Sự tăng lên trong kim ngạch thương mại của Nga và Trung Quốc có thể là kết quả của việc Trung Quốc đã tích cực mua dầu khi giá dầu giảm mạnh. Nước này đã dự trữ khoảng 76 triệu thùng dầu kể từ khi các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được thực hiện. Vào tháng 3, Bắc Kinh báo cáo đã mua vào một khối lượng kỉ lục gần 1.6 triệu tấn dầu của Nga để dự trữ trong tháng 4 sau đó.
Xuất khẩu phi năng lượng của Nga sang Trung Quốc vào tháng 1 tăng 46% so với cùng kì năm ngoái, chủ yếu nhờ vào việc tăng doanh số kinh doanh mặt hàng kim loại đồng, gia cầm và thủy sản. Năm ngoái việc tăng trưởng doanh số còn được đặc trưng bởi việc kinh doanh vũ khí quốc phòng và các thiết bị vũ trụ đạt thành tích vô cùng nổi bật: 23 triệu USD.
Moscow cũng đã thể hiện sự ủng hộ với Bắc Kinh khi chống lại những cáo buộc từ Mỹ nhằm vào WHO. Đồng thời Moscow cũng thể hiện quan điểm rằng những động thái của Mỹ là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý vào thất bại của chính nước này trong việc xử lý ổ dịch.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng tất cả những nỗ lực yêu cầu Trung Quốc đền bù là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ảnh: CNN
Trong cuộc điện đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/5, hai vị lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự thật lịch sử về thắng lợi trong Thế chiến 2 và ngăn chặn mọi nỗ lực bóp méo lịch sử, cũng như tính thiết yếu của việc duy trì quan hệ đa phương.
Trong bài phát biểu chúc mừng, ông Tập chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc đã đóng góp rất nhiều cho thành công của cuộc chiến, đem lại hòa bình nhân loại.
Điều đó có phần mâu thuẫn với cách giải thích của Mỹ nêu bật chiến thắng của Mỹ và Anh trước Đức quốc xã vào ngày 8/5/1945. Những xung đột về tư tưởng như vậy đã càng làm gia tăng thêm sự hiểu nhầm giữa các quốc gia, che mờ đi những thành tựu mà quan hệ các bên đã đạt được.
Quan hệ đa phương
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung đưa ra những thách thức lớn cho sự ổn định toàn cầu. Không giống như Chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu này đang diễn ra trong bối cảnh thế giới hiện đại, toàn cầu hóa, kết nối và ít phân cực hơn.
Ảnh: CNN
Không có sự phân chia rõ rệt về phạm vi ảnh hưởng của nó lên hệ tư tưởng hay lên kinh tế xã hội. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có dáng dấp nhiều hơn của một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" – cuộc chiến liên quan đến rất nhiều các yếu tố xung quanh khác. Càng toàn cầu hóa, một hành động nhỏ lại càng có khả năng đe dọa đến nhiều bên liên quan.
Đây là một "cuộc chiến" lâu dài, có thể buộc các quốc gia khác phải chọn phe. Các cáo buộc xoay quanh Covid-19 gần đây cùng với rất nhiều động thái khác của Mỹ chắc chắn đang đẩy Nga và Trung Quốc lại gần nhau hơn.
Trong khoảng thời gian này, thế giới chỉ có thể tránh được mối lo về Chiến tranh Lạnh lần thứ 2 thông qua cách ủng hộ quan hệ đa phương thời hiện đại.