Gặp Thủ tướng, Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc 'ấp ủ' triển khai đường sắt nối với Hà Nội trị giá 10 tỷ USD

Thái Hà |

Tập đoàn CRCC hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với "thành phố mùa xuân" của Trung Quốc.

Đường sắt kết nối với Hà Nội với Côn Minh trị giá 10 tỷ USD

Ngày 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch CRCC bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cũng như các ngành nghề lĩnh vực chiến lược mới nổi, trên tinh thần cùng thắng, cùng nhau lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đặc biệt, tập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam.

Gặp Thủ tướng, Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc 'ấp ủ' triển khai đường sắt nối với Hà Nội trị giá 10 tỷ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của CRCC trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Tập đoàn.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Tổng Công ty Đường sắt để đề xuất cụ thể, trước mắt là tiếp tục nghiên cứu tham gia dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nối với Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Gặp Thủ tướng, Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc 'ấp ủ' triển khai đường sắt nối với Hà Nội trị giá 10 tỷ USD - Ảnh 2.

Côn Minh là thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thường được gọi là Xuân Thành (tức "thành phố mùa xuân"). Nơi đây có 2.400 năm lịch sử, là trung tâm văn hóa, kinh tế, giao thông của tỉnh Vân Nam. Ảnh: Vietnamtourism

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tuyến đường sắt rất quan trọng, góp phần kết nối khuôn khổ "Vành đai, Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", góp phần làm cho Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tập trung làm tuyến đường này với mục tiêu khởi công trong năm 2025, trong đó 3 yếu tố rất quan trọng là coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ và triển khai các thủ tục theo quy định một cách nhanh nhất để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra với Tập đoàn CRCC là cần sớm có sản phẩm cụ thể làm cơ sở trình các cấp với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện và đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể.

Gắn với đó là các cơ chế phối hợp trong hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi dự án có quy mô khoảng 10 tỷ USD. Thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo nhân lực, mở rộng hợp tác các dự án hạ tầng khác. Các hợp tác tới đây cần rút kinh nghiệm từ các dự án đã làm, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ chống tiêu cực tham nhũng, lãng phí.

 Tập đoàn Trung Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực

Ngay tháng trước, ngày 11/10, ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc cũng đã có chuyến làm việc tại Việt Nam và gặp xã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Là một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp hàng đầu của Trung Quốc và trên thế giới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn CRCC chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao cách thức xây dựng doanh nghiệp nhà nước, mô hình vận hành, nắm bắt tiến bộ khoa học - công nghệ và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, CCRC có thể hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp của Việt Nam để triển khai một số công trình kết nối giao thông thông minh giữa Việt Nam, Trung Quốc như hình mẫu về hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Gặp Thủ tướng, Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc 'ấp ủ' triển khai đường sắt nối với Hà Nội trị giá 10 tỷ USD - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi cùng Chủ tịch CRCC Dai He Gen. Ảnh: VGP/MK

Những công trình hợp tác giữa CRCC và các đối tác Việt Nam khi hoàn thành sẽ là những nền tảng quan trọng để triển khai những dự án hợp tác, đầu tư tiếp theo của CRCC tại Việt Nam với tiêu chuẩn, quy chuẩn, tư duy thiết kế, mô hình vận hành hàng đầu tại Trung Quốc.

Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Chủ tịch CRCC bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn để triển khai các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

CRCC hiện xếp hạng thứ 42 trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 (bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số), với hoạt động tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. CRCC đã thiết kế và xây dựng hơn 50% đường sắt tốc độ cao và đường sắt tốc độ thường của Trung Quốc, hơn 40% tuyến đường sắt đô thị và 30% đường bộ cao tốc.

Tại Việt Nam, CRCC đã tham gia thực hiện các dự án như: Dự án hiện đại hóa cải tạo thông tin tín hiệu đường sắt Việt Nam, cung cấp vật tư đường sắt và Viện thiết kế 5 của CRCC tham gia lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Đới Hòa Căn khẳng định, CRCC mong muốn hợp tác không chỉ trong những dự án về đường sắt, đường bộ, tàu điện ngầm…, mà có thể mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cảng biển, sân bay, phát triển năng lượng xanh, với các công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường.

Ngày 23/10, nhân dịp tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp ngắn với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí là ưu tiên đẩy nhanh triển khai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam với Trung Quốc là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trước đó, trong tuyên bố Việt - Trung sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi đầu tháng 10, hai bên cũng đã nhất trí đẩy nhanh nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nêu đề nghị về 3 dự án hàng tỷ đô dài 800km - Ảnh 4.

Thái Hà

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại