Gặp lại nữ phạm nhân từng mang án tử

Phú Lữ |

Bị bắt vì vận chuyển trái phép chất ma túy, cô bị tuyên án chung thân, rồi bị tăng án lên tử hình. Được Chủ tịch nước ân xá, án lại được giảm xuống chung thân. Cuối năm gặp lại, ở cô đã không còn nhiều nước mắt nữa. Cô chia sẻ câu chuyện với tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Với cô, cuộc sống bây giờ là một câu chuyện khác…

Còn lại một tấm chân tình để đổi thay

Cuối năm 2019, chúng tôi gặp một số phạm nhân của Trại giam Thủ Đức, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an), đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Nữ phạm nhân Trần Hà Duy (sinh năm 1989, thường trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) - hiện đang thụ án chung thân tại Phân trại 3 của Trại giam này.

Duy nhìn khỏe mạnh, tươi tỉnh. Theo đánh giá của các cán bộ quản giáo, Duy là một phạm nhân chấp hành tốt nội quy, tích cực lao động cải tạo, tham gia các phong trào của trại… Cô được chuyển từ Trại tạm giam Chí Hòa về Trại giam Thủ Đức từ tháng 7-2011.

Duy tỏ ra khá thoải mái "rào trước" rằng: "Bây giờ anh gặp em sẽ thấy em khác trước kia. Sau hơn 8 năm thụ án, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, em đã nhận ra được nhiều điều. Bây giờ em tĩnh tâm hơn, suy nghĩ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.

Trong câu chuyện chắc sẽ không còn nước mắt nữa đâu dù có phải nhắc lại những gì đã qua", Duy cười tươi.

Duy cho biết hơn 8 năm là khoảng thời gian đủ dài để suy nghĩ và cảm nhận về mọi chuyện đã qua. Duy vẫn còn nhớ thời điểm được đưa từ Trại tạm giam Chí Hòa lên Trại giam Thủ Đức: "Lúc đó tâm trạng em rất hoang mang. Đúng ra là vừa vui sướng vừa lo sợ.

Vui vì đã "thành án", thoát khỏi án tử lơ lửng một năm trời. Lo sợ là vì trước đó em nghe nói rằng trại giam là nơi có nhiều thứ rất đáng sợ, nào "ma mới bắt nạt ma cũ", nào là các phạm nhân đánh nhau... Thế nhưng thực tế không phải vậy".

Nắm bắt được tâm lý phạm nhân, Ban giám thị, cùng các cán bộ phân trại đã gần gũi trò chuyện, động viên nữ phạm nhân này để góp phần giúp cô yên tâm chấp hành tốt nội quy của trại, tích cực lao động cải tạo.

"Đó là sự quan tâm giữa thầy và trò, giữa những người bạn, hay giữa người chị với người em… Sự ấm áp đó đã giúp em an tâm và thay đổi suy nghĩ về nơi đặc biệt này", Duy nói.

Duy cho biết: "Trại luôn bổ sung thêm chế độ ăn uống. Ốm đau bệnh tật, cán bộ trại cũng rất quan tâm.

Các công việc như may, gia công các mặt hàng, làm cao su… khá phù hợp với sức khỏe của phạm nhân nữ và cả định mức cũng không quá sức. Cán bộ trại cũng tùy sức khỏe của mỗi phạm nhân để sắp xếp cho phù hợp".

Gặp lại nữ phạm nhân từng mang án tử - Ảnh 1.

Theo lời Duy thì các nữ phạm nhân trong trại đối xử với nhau như một gia đình, luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Cô đã tích cực tham gia nhiều cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, về chính trị, về tuyên truyền, ứng xử và cả các phong trào văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao… nhiều lần được trại khen thưởng…

"Giờ em chỉ tập trung cải tạo, để sớm được xét giảm án, có cơ hội về với cha mẹ và gia đình", Duy bày tỏ sự hy vọng.

Nhắc đến em gái Trần Hạ Tiên đang thụ án 20 năm tù giam tại Trại giam An Phước (Bình Dương), Duy vui mừng cho biết Tiên cũng đã trở nên vui vẻ, lạc quan, an tâm cải tạo, chấp hành tốt nội quy trại giam.

Đây là điều giúp Duy cảm thấy nhẹ lòng, bởi trước giờ Duy luôn đau đáu, dằn vặt rằng chính mình đã kéo em gái vào vòng lao lý.

"Em được gọi điện về cho cha mẹ một lần một tháng. Còn em và em gái thì viết thư cho nhau cũng một lần/tháng.

Em biết Hạ Tiên đã lạc quan, suy nghĩ tích cực và chăm chỉ lao động cải tạo. Hạ Tiên đã được xét giảm án hai lần, 26 tháng. Hy vọng rằng em gái em sẽ sớm về với cha mẹ, gia đình", Duy chia sẻ.

Những chiếc vali hàng mẫu chứa… ma túy

Phải nhắc lại đôi dòng về vụ án của chị em Duy và Tiên. Lúc 22 giờ ngày 18-7-2011, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan sân bay phát hiện dưới đáy chiếc vali của Trần Hạ Tiên (sinh năm 1991) đi chuyến bay QR688 từ Doha về Việt Nam có chứa hơn 4kg Methamphetamin.

Ngay trong ngày hôm sau, Duy đã tới Cơ quan Cảnh sát điều tra đầu thú vì liên quan trực tiếp tới đường dây vận chuyển ma túy của Tiên.

Duy khai nhận năm 2007, Duy tình cờ quen một người tên Francis, quốc tịch Kenya và được người này khoe rằng hắn là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu quần áo, giày dép có chi nhánh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh...

Giữa tháng 8-2010, Francis điện thoại cho Duy nói rằng công ty của hắn đang cần người đi vận chuyển hàng mẫu là quần áo, giày dép từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.

Thời gian này do bận học nên Duy từ chối, nhưng hai tháng sau trong một lần gặp gỡ, Duy đã đồng ý vận chuyển.

Từ cuối tháng 11-2010, Duy đã vận chuyển cho Francis 4 chuyến hàng mẫu mà theo Francis là quần áo, giày dép xuất khẩu trong vali được khóa kỹ từ Malaysia đến Indonesia hoặc từ Cotonou (thuộc nước Cộng hòa Bénin ở Tây Phi) về Việt Nam và từ Việt Nam đi Malaysia giao cho người mà Francis đã bố trí trước.

Hai chuyến vận chuyển này, Duy được Francis trả chuyến đầu 500 đô la và chuyến sau 1.500 đô la, không kể tiền vé máy bay và chi phí khác.

Gặp lại nữ phạm nhân từng mang án tử - Ảnh 2.

Các phạm nhân trong giờ lao động cải tạo để sớm hoàn lương, trở lại cộng đồng.

Sau nhiều lần vận chuyển, Duy rủ em gái mình là Trần Hạ Tiên và một người bạn cùng tham gia. Theo lời Duy, cô không hề biết rằng "hàng mẫu" thực sự chính là ma túy.

Chỉ mãi sau đó Duy mới phát hiện mình đang dính vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Khi Duy muốn dừng lại thì Francis liên tục đe dọa sẽ giết em gái nếu như Duy tố cáo (do lúc đó Tiên còn đang ở châu Phi).

Cho đến khi bị bắt, chị em Duy và người bạn đã vận chuyển hàng chục lần với hơn 7,5kg ma túy. Francis đã trả cho Duy hơn 4.000USD.

Trong những lần gặp và trò chuyện trước đó, bản thân Duy thừa nhận: "Đồng tiền đã làm mờ mắt nên em cứ nhắm mắt đưa chân và bỏ đi những hoài nghi trong lòng mình.

Số tiền 500USD tương đương 10 triệu đồng trong lần đầu vận chuyển và những chuyến đi xa hơn được trả 1.000 USD, thời điểm đó là số tiền rất cao so với thu nhập em kiếm được từ việc đi làm thêm, dạy gia sư, làm bán thời gian…".

Theo kết quả điều tra thì vụ vận chuyển ma túy này là một nhánh của đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do các đối tượng người gốc Phi cầm đầu.

Đường dây này xuất phát từ nước Cộng hòa Tazania (phía Đông châu Phi) và TP Cotonuo (Bénin). Ma túy được vận chuyển từ đây sang vùng Trung Đông rồi trung chuyển đến Việt Nam, Campuchia, Malaysia… và cuối cùng nhắm đến thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc và Ma Cao.

Chất ma túy chủ yếu là Methaphetamin dạng tinh thể (ICE), được vận chuyển bằng cách trà trộn vào các vali chứa quần áo, giày dép là hàng mẫu rồi tuồn theo đường hàng không.

Đối tượng vận chuyển thông thường là các phụ nữ trung niên hoặc các nữ sinh viên - họ đã bị các đối tượng gốc Phi dụ dỗ, lừa lọc bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 27-3-2012, Duy bị tuyên án "Chung thân", Tiên nhận 20 năm tù giam. Tuy nhiên, trong phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử tuyên tăng mức hình phạt lên "Tử hình" đối với Duy.

Với mong ước có một "phép màu" giúp con gái thoát khỏi mức án tử hình, người cha của chị em Duy - ông Trần Văn Tường đã cầm đơn từ đi gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương để cầu cứu.

Theo lời ông Tường thì ông vẫn còn chút niềm tin rằng: "Tôi nghĩ các con tôi tham gia vào việc vận chuyển "hàng mẫu" bắt đầu từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và với mong muốn đỡ đần cha mẹ".

Thời điểm đó, ông Tường chia sẻ vợ chồng ông quê quán ở xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, vợ chồng ông đã quyết định chuyển cả gia đình lên thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tìm kế sinh nhai.

Thời gian đầu ông hành nghề chạy xe ba gác, vợ ông bán chuối chiên dạo để kiếm tiền nuôi các con ăn học (vợ chồng ông có tất cả 4 đứa con).

Cuộc sống gian khó cứ lặng lẽ trôi qua, ngày qua ngày đến lúc các con lớn khôn, Duy thi đậu Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh); sau đó lại đến Tiên tiếp nối đậu vào trường đại học này, nỗi lo chi phí tiền bạc cho các con ăn học của vợ chồng ông càng dày hơn.

Lo là lo vậy nhưng vợ chồng ông vẫn tần tảo sớm hôm để kiếm tiền cho các con an tâm ăn học, với mong ước các con sẽ thành đạt để khỏi phải vất vả như cha mẹ chúng. Có lẽ chẳng bao giờ vợ chồng ông nghĩ rằng có ngày các con mình lại phạm tội tày đình như thế.

Theo ông Tường, con gái ông có tội thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng bản án tử hình quá nghiệt ngã, bởi nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh và động cơ phạm tội của Duy là hoàn toàn bị động, bị gài bẫy và bị khống chế bởi những kẻ tội phạm xuyên quốc gia với thủ đoạn và phương thức hoạt động hết sức tinh vi và xảo quyệt. Duy chỉ là một con "chốt thí" trong ván cờ ma quỷ của bọn chúng.

Chưa kể, Duy cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà "mất cảnh giác" trước lợi ích vật chất… Sau khi em gái bị bắt, được sự động viên của cha, Duy đã đến cơ quan điều tra đầu thú và không hề quanh co chối tội mà trái lại rất thành khẩn khai báo với niềm tin vào sự khoan hồng của pháp luật…

Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình ông và cá nhân hai đứa con gái, một nhóm cựu chiến binh huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (nguyên quán của vợ chồng ông) đã cùng ký vào đơn gửi Chủ tịch Nước cứu xét tha tội chết cho Duy.

Đồng thời, một nhóm hơn 20 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh cũng có đơn "kêu cứu" gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án cho Duy.

Đặc biệt còn có cả đơn xin "ân xá hình phạt tử hình" cho Duy của hai cựu tù Côn Đảo cũng là hai chị em ruột - Thiều Thị Tạo (ngụ quận 2) và Thiều Thị Tân (ngụ quận 12, bà Tân là chủ nhiệm CLB võ thuật Việt Võ đạo quận 12, cũng là thầy dạy võ của Duy)…

Và cuối cùng "phép màu" đã thành hiện thực! Sau khi xem xét mọi khía cạnh của vụ án, để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị, Chủ tịch Nước đã ra Quyết định ân giảm hình phạt tử hình cho Duy xuống tù chung thân.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, việc được ân giảm án trong trường hợp này là rất hy hữu, bởi như nhận định của Tòa án nhân dân Tối cao, "hành vi phạm tội của bị cáo Duy thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bởi bị cáo đã vận chuyển trái phép lượng ma túy cao gấp nhiều lần so với quy định tại điểm e Khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt Duy tử hình về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" là có căn cứ và đúng pháp luật."

Có thể nói, đây là một bài học đắt giá cho những ai nhẹ dạ cả tin, muốn kiếm tiền nhanh, dính vào những hành vi phạm pháp đã được pháp luật quy định những mức án cao nhất.

"Mọi người chỉ được sinh ra một lần, nhưng với em, thực sự em như được sinh ra hai lần.

Vì thế, em tâm niệm phải cố gắng sống tốt, cải tạo tốt, để mong ngày được giảm án, sớm về với gia đình. Đó là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời em lúc này và cả trong tương lai nữa", Duy nói mà như tự nhắn nhủ với bản thân mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Nga đề nghị chính thức, Việt Nam đáp lời: Lộ diện “ngôi sao” có thể đưa 1 chỉ số vọt lên 380 nghìn tỷ

Nga đề nghị chính thức, Việt Nam đáp lời: Lộ diện “ngôi sao” có thể đưa 1 chỉ số vọt lên 380 nghìn tỷ

18/01/2025 07:15

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã đưa ra một đề nghị sau khi đánh giá một chỉ số trong hợp tác song phương Việt – Nga "chưa tương xứng với tiềm năng lớn giữa hai nước".

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top