Dường như tôi quá tự tin vào bản thân, rằng dù thế nào mình luôn có một khoản dự phòng, chính là tiền tiết kiệm suốt 8 năm đi làm. Nhưng tôi quên mất "miệng ăn núi lở", nếu chỉ trông chờ vào nó, chẳng mấy chốc số tiền ấy đã "không cánh mà bay". Thực tế, gần 3 tỷ tiết kiệm của tôi đã cạn sạch chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Đầu tư sai lầm, chủ quan, không hiểu rõ tình cảnh hiện tại... đã thổi bay toàn bộ số tiền ấy. Cho tới thời gian vừa qua, tôi nằm trong diện sa thải ở công ty, bị cắt mất nguồn tài chính lớn nhất, phải nhờ viện trợ của bố mẹ... tôi mới thật sự thức tỉnh. Lúc này, tôi đã nghiêm túc chấn chỉnh lại bản thân, hi vọng tình hình sẽ được cải thiện.
Dưới đây là 3 nguyên tắc tài chính tôi áp dụng khi sa cơ, mong rằng giúp ích phần nào cho những người eo hẹp tiền tiết kiệm.
Cắt giảm toàn bộ chi tiêu
Nên nhìn vào tình hình chi tiêu hiện tại để tìm ra những cách hợp lý nhất cho việc cắt giảm chi phí. Đó cũng là cơ hội để có thêm những kỹ năng mới. Bạn cũng nên phân biệt giữa "khoản chi tiêu thiết yếu và chưa thiết yếu" để tìm ra những thứ có thể cắt giảm.
Chi tiêu thiết yếu bao gồm những khoản cố định như: tiền điện, nước, Internet, chi phí ăn uống, sinh hoạt… Trong khi đó, chi tiêu chưa thiết yếu có thể là quần áo, giải trí, du lịch, quà cáp…
Trong trường hợp bạn mất thu nhập, ngoài cắt giảm chi tiêu, cần tính toán đến việc bán đi những món đồ không cần dùng đến: quần áo có giá trị, thiết bị, máy móc… Chúng vẫn còn tốt nhưng bạn đã không dùng bấy lâu nay. Bạn cũng có thể tìm kiếm cách tăng nguồn thu nhập thông qua các công việc phù hợp khi ở nhà; ví dụ như dạy học trực tuyến hoặc tính toán sổ sách.
Trường hợp bạn có khoản nợ ngân hàng hoặc nợ tiền một ai đó. Nên gọi cho họ để hỏi về các chương trình hỗ trợ, ví dụ giãn nợ, giảm lãi suất, chỉ thanh toán một phần… Bạn có thể gọi điện thương lượng với người cho vay bằng thái độ chân thành, kiên trì, nhẫn nại và tử tế, sau đó lắng nghe phản hồi từ họ. Đó là một cách ứng xử văn minh.
Lập ngân sách cơ bản và kiểm soát chặt chi tiêu
Đây là lúc bạn cần phải có một bức tranh tổng thể rõ ràng về tình hình tài chính của mình ở hiện tại. Trước khi có thể thực hiện bất kỳ động thái nào. Ông Andrew Meadows, phó chủ tịch cấp cao của tổ chức tài chính Ubiquity Retirement and Savings chia sẻ rằng: "Về ngắn hạn, cần xem cụ thể các khoản thu, chi, và những gì bạn sắp phải tiêu, con số còn lại. Đó là ba câu hỏi cơ bản để xây dựng ngân sách. Bằng cách không chi tiêu nhiều hơn số tiền đang có, bạn sẽ không bị lâm vào cảnh nợ nần chồng chất".
Trong trường hợp bị mất việc hoặc vừa có công việc mới với mức thu nhập thay đổi; bạn cần xem xét lại ngân sách dựa trên thu nhập mới của mình thế nào.
Lập lại quỹ tiết kiệm ngay khi tình hình bớt khó khăn
Quỹ khẩn cấp không chỉ là một vùng đệm tài chính trong thời kỳ khó khăn. Nó còn mang lại cho bạn sự an tâm và không bị quá áp lực từ các khoản chi tiêu. Nên cố gắng để tiết kiệm khoảng 6 tháng lương, dự phòng cho những tình huống khẩn cấp nhất có thể xảy ra.
***
Ngoài ra, tôi còn tận dụng sự giúp đỡ của bố mẹ - và tự hứa sẽ báo đáp lại họ ngay khi tình hình tài chính của bản thân khá khẩm hơn. Bằng cách nhận thực phẩm được mẹ mua sẵn cho hàng tuần. Nghe thì thấy hơi "thảm bại", nhưng đó là cách an toàn và tăng khả năng hồi phục của bạn. Nhưng hãy cam kết rằng, bạn sẽ báo đáp, cảm tạ cha mẹ ngay khi tình hình tài chính khởi sắc hơn!