Đoàn Mỹ và Anh do hai ngoại trưởng đứng đầu có cuộc gặp trước thềm hội nghị bộ trưởng của G7. (Ảnh: AP)
Trước thềm cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các ngoại trưởng G7 kể từ năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nỗ lực thúc đẩy thông điệp về chủ nghĩa đa phương sau 4 năm Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump thờ ơ với xu hướng này.
Được lập ra từ năm 1975 để tạo diễn đàn cho các nước giàu nhất phương Tây thảo luận về những cuộc khủng hoảng như lệnh cấm xuất khẩu dầu của OPEC, G7 tuần này sẽ bàn về Trung Quốc và Nga, cũng như cách đối phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
"Mục đích của chúng tôi không phải cố kìm hãm Trung Quốc", ông Blinken nói tại cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 3/5.
Ông Blinken nói rằng phương Tây sẽ bảo vệ "trật tự dựa trên luật lệ quốc tế" trước bất kỳ nỗ lực lật đổ nào, bao gồm từ Trung Quốc.
Sự trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua được đánh giá là sự kiện địa chính trị có tác động lớn nhất trong những năm gần đây, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh.
Các nhà ngoại giao G7 muốn khẳng định với thế giới rằng phương Tây sẽ vẫn có vị thế của mình. Ông Raab nói đến chuyện xây dựng liên minh, thay vì cắt đứt chúng.
"Tôi nhìn thấy nhu cầu ngày càng lớn và sự cần thiết phải có các nhóm cùng chung tư tưởng, chia sẻ các giá trị và muốn bảo vệ hệ thống đa phương. Chúng ta có thể nhìn thấy một sự dịch chuyển theo hướng tập hợp những nước cùng chung chí hướng có thể làm việc cùng nhau", ông Raab nói.
Dù không mở rộng, bản thân G7 đã là một tập hợp đủ mạnh, lớn hơn Trung Quốc về cả kinh tế và quân sự.
Về lâu dài, đang có một sự lo lắng sâu sắc ở cả Washington và châu Âu về cách phương Tây nên hành xử như thế nào với cả Bắc Kinh và Mátxcơva.
Ông Blinken nói rằng Mỹ muốn có quan hệ ổn định hơn với Nga, nhưng điều đó phụ thuộc vào cách Tổng thống Vladimir Putin quyết định hành động, nhất là ở những khu vực như Ukraine, nơi ông Blinken sẽ có chuyến thăm vào cuối tuần này.
"Chúng tôi đã khẳng định sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Blinken nói.
"Chúng tôi không tìm cách leo thang: chúng tôi muốn quan hệ ổn định và dễ đoán hơn. Và nếu Nga đi theo hướng đó, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy", Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Ông Raab nói rằng G7 sẽ xem xét một đề xuất thành lập cơ chế phản ứng nhanh để đối phó với chiến dịch thông tin từ Nga. Còn với Trung Quốc, G7 sẽ bàn về sự cần thiết phải khẳng định vai trò của dân chủ và thị trường mở.
Ngoài các thành viên G7 gồm Canada, Pháp, Đức, ý, Nhật và Mỹ, Anh lần này mời các ngoại trưởng Úc, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc.
Các bộ trưởng sẽ chuẩn bị đề xuất cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi lên nắm quyền: thượng đỉnh G7 tại Anh vào tháng sau.