G7 cân nhắc đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ Nga

Thu Hoài |

Việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể cắt giảm nguồn thu tài chính quan trọng của Moscow, nhưng lại có nguy cơ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Chính phủ Nga ngay lập tức cảnh báo sẽ không thể tiếp tục cung cấp dầu trong các điều kiện “phi thị trường”.

G7 đang cân nhắc đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Ảnh: Getty

G7 đang cân nhắc đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Ảnh: Getty

Phát biểu trước thềm cuộc họp trực tuyến Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), người phát ngôn Nhà trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố, việc áp giá trần đối với dầu của Nga là cách hiệu quả nhất để làm giảm nguồn thu của nước này.

“Mỹ đã có hành động mạnh mẽ để cấm dầu của Nga và các đồng minh của Mỹ cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên Tổng thống Vladimir Putin vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Vì vậy chúng tôi tin rằng đây là cách hiệu quả nhất để tác động mạnh đến nguồn thu của Nga và làm như vậy sẽ không chỉ làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của nước này mà còn hạ nhiệt giá năng lượng toàn cầu”, bà Jean-Pierre nói.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, mặc dù xuất khẩu dầu của Nga xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, nhưng doanh thu xuất khẩu của nước này trong tháng 6/2022 đã tăng 700 triệu USD so với tháng trước nhờ giá dầu cao hơn tới 40% so với mức trung bình của năm 2021.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và tân Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi hồi giữa tuần này đã thảo luận về kế hoạch giới hạn giá và duy trì nhu cầu kinh tế của Ukraine. Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi, vào thời điểm mà cuộc chiến của Nga đã dẫn đến giá năng lượng cao trên toàn cầu, thì biện pháp giới hạn trần giá dầu là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để kiểm soát lạm phát thông qua việc đảm bảo dòng dầu ổn định vào thị trường toàn cầu với mức giá thấp hơn.

“Chúng tôi rất hy vọng biện pháp áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ phát huy hiệu quả để giảm nguồn thu của Nga và duy trì sự ổn định của giá dầu. Tuy nhiên, Rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải thuyết phục nhiều quốc gia hơn ủng hộ đề xuất. Bởi biện pháp chỉ hiệu quả nhất khi nhận được sự ủng hộ của một liên minh rộng lớn nhất có thể”, ông Zahawi cho biết.

Cho đến nay, Vương quốc Anh là thị trường quan trọng nhất về bảo hiểm vận chuyển trên thế giới. Điều đó mang lại cho G7 một đòn bẩy nhất định đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu, cùng với sức mạnh kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, cũng giống như điều mà tân Bộ trưởng Tài chính Anh thừa nhận, các chuyên gia cho rằng, biện pháp sẽ là bất khả thi nếu không có sự tham gia rộng rãi nhất có thể của các quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Một số thương nhân và nhà phân tích thị trường dầu đã bày tỏ nghi ngờ về việc áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ hoạt động vì Nga đã vận chuyển dầu của mình đến châu Á mà không sử dụng bảo hiểm tàu ​​biển của phương Tây. Hơn nữa, Moscow cũng có thể cắt giảm sâu hơn sản lượng khai thác dầu để trả đũa, khiến giá dầu thô tăng vọt. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm qua chỉ trích, ý tưởng áp đặt giới hạn giá dầu Nga là vô lý và Moscow sẽ không giao dầu và các sản phẩm dầu khác cho các quốc gia ủng hộ quyết định này.

Một số chuyên gia Phố Wall đã cảnh báo giá dầu thô có thể tăng vọt nếu việc áp giá trần với dầu của Nga không diễn ra như kỳ vọng. Trong khi đó JPMorgan cho biết khả năng giá dầu tăng lên 180 USD/thùng là rất cao và không loại trừ khả năng tăng lên 380 USD/ thùng trong trường hợp xấu nhất./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại