Giúp món ăn "tỏa sáng"
Trên trang web về ẩm thực Takeout của Mỹ, tác giả Hoang Samuelson viết:
"Vào một ngày mùa đông lạnh giá vài năm trước, hai vợ chồng tôi đến nhà anh trai cả của tôi, nơi mẹ tôi đang ở. Trong vài tuần nay, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 5 độ. Cảm giác buốt lạnh len lỏi trong phòng khách khi chúng tôi ngồi nói chuyện, rùng mình bên chiếc máy sưởi.
Cái lạnh cuối cùng cũng tan biến khi mùi nấu ăn thoang thoảng trong bếp: mùi cay nồng nhưng thật dễ chịu và ấm áp tỏa ra, khiến vợ chồng tôi cùng ngoái lại về hướng có mùi thơm. Mẹ tôi đang nấu món cháo gà Việt Nam. Bên cạnh mẹ tôi là một tô thịt gà đã được làm sẵn, ướp trong gia vị đặc biệt của bà gọi là nước mắm (hay nước chấm).
Như một loại gia vị, nước mắm phổ biến trong ẩm thực Việt Nam. Bát nước mắm luôn ở đó, nằm yên tĩnh trên bàn ăn và tạo ra một loại gia vị hoàn hảo. Chỉ cần một hoặc hai thìa cà phê nước mắm (hoặc nhiều hơn, nếu bạn có thể xử lý vị cay nồng), món ăn của bạn ngay lập tức "tỏa sáng" một cách không ngờ tới.
Cảnh mẹ tôi nấu món cháo vào ngày đông đó cũng ấm áp như chính món cháo vậy. Bà bắt đầu pha một bát nước chấm, sau đó ướp thịt gà xé nhỏ trong khi ninh nước dùng trên bếp. Bà lấy một cái chảo nhỏ ra, rưới một chút dầu lên, và khi chảo đã nóng lên, bà cho thịt gà đã ướp vào và đảo chín.
Trong vòng vài phút, gà bắt đầu chuyển sang màu caramel, thấm đẫm vị cay của ớt và vị chua chua của chanh. Mẹ tôi múc ra một bát cháo nóng hổi, cho thịt gà lên trên và rắc một ít hành lá. Chúng tôi đã "đánh vèo" hết bát cháo, đều ấm áp và hài lòng".
Nước sốt thần thánh, dùng với mọi món ăn
Ý tưởng sử dụng muối để bảo quản thực phẩm bắt đầu từ nhiều năm trước khi người La Mã và Hy Lạp cổ đại ướp muối cá và lên men với các loại thảo mộc như thì là, rau mùi và thì là. Nước mắm Việt Nam cũng có quy trình tương tự. Thường được làm từ cá cơm và muối, nước mắm đã có mặt tại Việt Nam cách đây hàng trăm năm. Ngày nay, Phan Thiết cùng với Phú Quốc của Việt Nam là 2 địa danh nổi tiếng về loại nước mắm chất lượng.
Chia sẻ về công thức cho món nước chấm "thần sầu" của mẹ mình, tác giả Hoang Samuelson viết: món nước chấm là một sự kết hợp ngon miệng của đường, chanh và muối, tạo ra một loại nước sốt hấp dẫn vừa ngọt vừa chua.
Nước chấm được dùng như một loại nước sốt phổ biến trong các món ăn Việt Nam đến mức hơn 95% hộ gia đình Việt Nam sử dụng hàng ngày. Giống như một "phụ tá" đáng tin cậy, nước chấm đóng vai trò bổ sung cho nhiều món ăn ngon của Việt Nam bao gồm bánh cuốn, bún thịt nướng, hoặc món bánh xèo.
Hay như Thuy Pham, chủ cửa hàng ăn chay Việt Nam Mama Dút, kể lại, mẹ cô đã dạy cô pha nước chấm với mùi thơm của ớt, chanh và tỏi khi cô lên 9.
Thuy Pham chia sẻ, về cơ bản, cô dùng nước chấm với gần như mọi món ăn: trong các tô bún, làm nước chấm cho các món gỏi cuốn, để ướp cánh gà, dùng cho các món salad, làm nước chấm cho khá nhiều loại thịt…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nước mắm hiện được xuất khẩu sang thị trường châu Á (54%), Úc (18%), châu Phi và châu Âu (13% mỗi thị trường) và thu được 28,53 triệu USD từ xuất khẩu nước mắm vào năm 2021.
Hiện Việt Nam có 17 cơ sở sản xuấtnước mắm xuất khẩu.