Xuất khẩu vũ khí của Nga bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP
Theo AP/Defensenews.com ngày 30/8, Alexander Mikheyev, Tổng giám đốc Rosoboronexport, tập đoàn xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga cho biết, tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí trong năm 2022 của nước này có thể đạt khoảng 10,8 tỷ USD, thấp hơn khoảng 26% so với năm 2021.
Theo ông Alexander Mikheyev, xuất khẩu vũ khí của Nga đã đạt 5,4 tỷ USD cho đến thời điểm này trong năm nay và Moskva hy vọng thời gian còn lại của năm sẽ mang lại doanh thu tương tự. Trong khi đó, Dmitry Shugayev, người đứng đầu Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự của Chính phủ Nga, cho biết xuất khẩu vũ khí mang lại doanh thu 14,6 tỷ USD năm 2021.
Dự báo trên được đưa ra sau triển lãm quốc phòng Army 2022 ở Moskva, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ mở rộng hợp tác quân sự với các đồng minh và đối tác, đồng thời cho biết sẵn sàng bán cho họ “những loại vũ khí tiên tiến nhất: từ súng trường, áo giáp và pháo binh đến máy bay chiến đấu và máy bay không người lái".
Ông Putin không nêu tên cụ thể quốc gia nào, nhưng cho biết "Nga đánh giá cao mối quan hệ bền chặt, thân thiện và tin cậy trong lịch sử với các nước Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi".
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ. Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập và Algeria là những khách hàng nước ngoài hàng đầu của vũ khí Nga, nhưng nhập khẩu của Ấn Độ đang giảm, theo một báo cáo được công bố vào tháng 3 của SIPRI.
Đại dịch COVID-19 đã làm chậm quá trình sản xuất vũ khí trong trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Nga nỗ lực thực hiện các biện pháp an toàn cũng như giải quyết các vấn đề hậu cần và các vấn đề về năng lực sản xuất. Ngoài ra, Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt do sáp nhập Crimea và việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine từ đầu năm nay.
Tom Waldwyn, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định: “Các quốc gia đang tìm cách mua thiết bị của Nga đã phải suy nghĩ kỹ trước nguy cơ bị Mỹ và các nước khác trừng phạt".
"Mặc dù vẫn còn quá sớm để nói chính xác tác động lâu dài của việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ như thế nào đối với ngành công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu của nước này, nhưng nó sẽ có tác động tiêu cực đáng kể. Trong ngắn hạn, việc cung cấp đạn dược và phụ tùng thay thế có thể sẽ được tập trung để hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Nga”, ông Waldwyn nêu rõ.
Ngoài ra, sức mạnh của cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga có thể phụ thuộc vào hành động từ các quốc gia châu Âu. “Nếu các nước châu Âu có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga trong việc cung cấp năng lượng, thì điều này cuối cùng sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu của Chính phủ Nga và do đó ảnh hưởng đến việc đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của họ. Việc cắt giảm đầu tư sẽ ảnh hưởng đến năng lực và chất lượng, cả về năng lực kỹ thuật và nhân sự”, ông Waldwyn kết luận.