Đánh lớn ở Kursk, Triều Tiên đưa vũ khí nổi tiếng tới Nga
Tạp chí Forbes (Mỹ) và hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 14/11 đưa tin, các nhóm quân Nga và Triều Tiên đang tham gia tích cực vào các đợt giao tranh ở tỉnh Kursk, Nga.
Trước đó 1 ngày, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết, quá trình triển khai lực lượng Triều Tiên tới Kursk đã hoàn tất và các nhóm quân Triều Tiên đang tham gia vào các hoạt động chiến đấu tích cực chống lại quân đội Ukraine.
"Cơ quan tình báo Hàn Quốc trong ngày 13/11 ghi nhận rằng, quân đội Triều Tiên tại Nga đang tham gia vào các hoạt động chiến đấu chống lại Ukraine" – Thông báo của NIS nêu rõ.
Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 12/11 cũng xác nhận quân Triều Tiên tại Kursk đã bắt đầu giao chiến chống lại lực lượng Ukraine.
Về phía Moscow, trong phát ngôn mới nhất, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin Dmitry Peskov không phủ nhận thông tin Nga triển khai lực lượng Triều Tiên ra tiền tuyến.
"Câu hỏi này liên quan tới hoạt động quân sự đặc biệt, vì vậy các bạn hãy hỏi Bộ Quốc phòng" – Ông Peskov nói với phóng viên.
Trong khi đó, theo Korean Times, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ngày 11/11 đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Hiệp ước này bao gồm một điều khoản phòng thủ chung đề cập rằng nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị một hoặc nhiều phía tấn công vũ trang, thì bên còn lại trong Hiệp ước sẽ ngay lập tức "cung cấp hỗ trợ quân sự bằng mọi cách có thể theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc và tuân thủ luật pháp Nga, Triều Tiên".
Đáng lưu ý, theo Forbes, cuộc giao tranh tại Kursk diễn ra trong bối cảnh kho vũ khí của các trung đoàn Nga "đang cạn kiệt một cách nguy hiểm". Bên cạnh đó, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết, Nga đã tập hợp 50.000 binh sĩ, bao gồm cả quân nhân Triều Tiên, để phát động chiến dịch tấn công lớn ở Kursk. Đây có lẽ là lý do Bình Nhưỡng quyết định hỗ trợ thêm cả vũ khí cho Moscow.
Theo thông tin mà tạp chí Mỹ ghi nhận được, ít nhất 2 khẩu pháo tự hành M1989 Koksan 170 mm – thuộc hàng lớn nhất của Triều Tiên đã được vận chuyển trên một toa tàu chạy qua thành phố Krasnoyarsk, Siberia – một chủ thể của Liên bang Nga.
Thông tin tương tự cũng được tờ Lenta (Nga) đăng tải, đồng thời cho biết M1989 còn được ví như "Pháo Sa hoàng".
"Triều Tiên có thể đã chuyển các hệ thống pháo tầm xa mạnh nhất M1989 cho Nga" – Lenta cho hay.
Forbes dự đoán, có 2 khả năng có thể xảy ra: Một là đơn vị pháo binh Triều Tiên đang được triển khai tới tiền tuyến ở phía tây Nga (tỉnh Kursk) hoặc trên lãnh thổ Ukraine, và họ sẽ trực tiếp vận hành các khẩu pháo này.
Hai là quân đội Nga sẽ sử dụng chúng dưới sự hỗ trợ của lực lượng Triều Tiên. Đây là loại pháo cỡ nòng 177mm nổi tiếng của Triều Tiên, với khả năng bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc từ phía bắc khu phi quân sự (DMZ).
M1989 được đánh giá có sức hủy diệt kinh hoàng và từng đạt kỷ lục về tầm bắn lên tới 60km.
Lãnh đạo 3 nước chuẩn bị đáp trả việc Triều Tiên đưa quân tới Nga
Liên quan tới việc Triều Tiên đưa quân tới Nga và tham chiến ở Kursk, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 14/11 cho biết, lãnh đạo 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sắp thảo luận về phương thức đáp trả động thái của Moscow và Bình Nhưỡng tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Peru (diễn ra trong hai ngày 15 và 16/11).
Theo ông Sullivan, một cuộc họp 3 bên, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh này.
Ông Sullivan lưu ý, cuộc họp sẽ sẽ cho phép "thiết lập một phản ứng phối hợp" đối với việc Triều Tiên điều động quân tới Nga, cũng như thảo luận về sự phối hợp cần thiết giữa các bên và "các biện pháp chính trị".
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc "đang tham vấn về vấn đề này ở nhiều cấp độ" – ông Sullivan cho hay.