Lộ kế hoạch F của ông Trump, Lầu Năm Góc hành động khẩn: Chuẩn bị tình huống 50.000 người vào "tầm ngắm"

Phạm Hải |

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, họ đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Một kế hoạch nhắm tới 50.000 người đã được hé lộ.

Lầu Năm Góc chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Kể từ khi ông Donald Trump giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, nhiều dự đoán đã được đưa ra về cuộc cải cách trong nội bộ chính quyền khiến Lầu Năm Góc lo lắng.

Theo báo cáo của CNN ngày 8/11, nhiều quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc đang tổ chức các cuộc thảo luận không chính thức để cố gắng tìm ra cách ứng phó trong trường hợp ông Trump đưa ra các mệnh lệnh gây tranh cãi sau khi nhậm chức.

Theo các báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chủ yếu lo lắng về hai khía cạnh: Thứ nhất, với tư cách là Tổng thống tương lai của Mỹ và Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, ông Trump có thể huy động quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trong nước và thực hiện các vụ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp quy mô lớn.

Thứ hai, ông Trump có thể can thiệp vào việc bổ nhiệm nhân sự của Lầu Năm Góc và cài đặt những "người trung thành" của mình vào Bộ này. Ông Trump từng đưa ra những tuyên bố như vậy nhiều lần trước đây.

Lầu Năm Góc lo lắng về cuộc "đại tu" của ông Trump. Ảnh: Getty

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, họ đang chuẩn bị cho cuộc đại tu Lầu Năm Góc và "kịch bản xấu nhất".

Một trong những quan chức cho biết: "Tất cả chúng tôi đều đang chuẩn bị và lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất, nhưng thực tế là chúng tôi không biết mọi chuyện sẽ diễn biến như thế nào".

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ chọn ai làm lãnh đạo Lầu Năm Góc. Một cựu quan chức quốc phòng từng phục vụ trong đội ngũ nhân viên của ông Trump cho biết có sự đồng thuận chung rằng chủ nhân tương lai của Nhà Trắng sẽ cố gắng tránh những tình huống như những gì đã xảy ra dưới thời chính quyền trước trong tương lai.

Lúc đó, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ở trong tình trạng "đối địch", quan hệ "rất tồi tệ" và bản thân ông Trump cùng cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley nhiều lần công khai xung đột.

Điều đáng nói là nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đã đề cập đến việc cựu Ngoại trưởng Pompeo được coi là ứng cử viên số một cho chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Quân đội Mỹ sẽ được huy động để tiêu diệt "nội thù"?

Sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, điều nhiều quan chức quốc phòng lo ngại nhất là: Ông Trump dự định sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ trong nước như thế nào?

Chỉ mới tháng trước, ông công khai tuyên bố rằng quân đội nên được sử dụng để đối phó với "lực lượng đối địch nội bộ" và "những kẻ cực tả điên rồ". Khi nói về các cuộc biểu tình có thể xảy ra vào ngày bầu cử, ông nói thêm: "Tôi nghĩ, nếu cần thiết, có thể để Vệ binh Quốc gia và quân đội xử lý, vì họ không thể để điều đó xảy ra".

Một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng từng phục vụ dưới thời chính quyền Trump cho biết, ông Trump có thể sẽ điều động thêm quân tại ngũ tham gia nhiệm vụ ở biên giới.

Hiện tại, khu vực biên giới Mỹ đã có hàng nghìn quân, bao gồm các lực lượng tại ngũ, Vệ binh Quốc gia và lực lượng dự bị.

Ông Trump từng đề cập vào tháng 10 rằng, quân đội nên được sử dụng để loại bỏ "kẻ thù bên trong". Ảnh: CNN

Quan chức này cũng cảnh báo rằng ông Trump có khả năng sẽ điều quân vào bên trong các thành phố của Mỹ để hỗ trợ kế hoạch trục xuất quy mô lớn những người nhập cư bất hợp pháp mà ông thường đề cập trong chiến dịch tranh cử, vì các cơ quan thực thi pháp luật trong nước "thiếu nhân lực, trực thăng, xe tải và khả năng cơ động mà quân đội sở hữu".

Ngoài ra, một quan chức quân đội tại ngũ nói với CNN rằng họ có thể hình dung ra kịch bản ông Trump ra lệnh điều thêm hàng nghìn binh sĩ hỗ trợ nhiệm vụ biên giới.

Quan chức này đồng thời lưu ý rằng nếu điều đó trở thành hiện thực, khả năng ứng phó với các mối đe dọa từ nước ngoài của quân đội Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Điều đáng lo hơn nữa là Lầu Năm Góc không thể làm được gì nhiều và cũng không có biện pháp bảo vệ pháp lý thực sự nào để ngăn chặn vị Tổng tư lệnh tối cao này.

"Kế hoạch F" đưa 50.000 người vào tầm ngắm

Ngoài kế hoạch huy động quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc đang lo ngại Trump sẽ tiến hành "Kế hoạch F" (Schedule F) mà ông từng đề cập.

Theo đó, hàng chục nghìn công chức được cho là có ảnh hưởng đến chính sách, liên quan đến các quyết định bảo mật sẽ được xếp vào nhóm nhân viên "Kế hoạch F". Các nhân viên nào được phân loại vào nhóm này sẽ mất quyền bảo vệ công việc, trở thành lao động tự do và dễ dàng bị sa thải hơn.

Lầu Năm Góc đang rất lo ngại "Kế hoạch F" của ông Trump. Ảnh: News18

Trang tin Axios (Mỹ) cho biết, khi một Tổng thống mới nhậm chức, thường sẽ có khoảng 4.000 "nhân sự được bổ nhiệm chính trị" để giám sát hoạt động của chính phủ được thay thế.

Nhưng "Kế hoạch F" của ông Trump có thể ảnh hưởng đến khoảng 50.000 người, cho phép ông thay thế những nhân viên phi chính trị, phi đảng phái trong các cơ quan chính phủ.

Những nhân viên này thường có sự bảo vệ việc làm mạnh mẽ và có thể tiếp tục làm việc từ chính phủ này sang chính phủ khác.

Hiện tại, Lầu Năm Góc đang lập danh sách các nhân viên có khả năng bị liệt vào diện "Kế hoạch F" để chuẩn bị cho những thay đổi chính sách có thể xảy ra.

Mới đây, một quan chức quốc phòng khi đề cập đến "Kế hoạch F" đã thừa nhận: "Hộp thư của tôi tràn ngập các email về vấn đề này. Chắc chắn vài tháng tới sẽ rất bận rộn".

Các chuyên gia về lực lượng lao động liên bang ngày 6/11 cảnh báo, chính quyền ông Trump có thể sẽ triển khai "Kế hoạch F" mà không gặp nhiều rào cản, dù ý tưởng này từng bị ông Joe Biden loại bỏ sau khi nhậm chức Tổng thống năm 2021.

Họ đồng thời cảnh báo ngoài "Kế hoạch F", ông Trump còn có "một kho vũ khí" với các phương thức nhắm tới các nhân viên liên bang.

Ông Austin và Blinken lên tiếng cảnh báo

Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhiều lần cảnh báo quân đội về khả năng bị "lạm dụng chính trị."

Vào ngày bầu cử Tổng thống 5/11, ông Austin phát biểu: "Tôi hoàn toàn tin rằng, dù có chuyện gì xảy ra, các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đúng đắn. Tôi cũng tin rằng Quốc hội của chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đúng đắn để hỗ trợ quân đội."

Ngày mùng 6, ông gửi thư tới toàn thể thành viên quân đội Mỹ, tái khẳng định tầm quan trọng của việc quân đội tuân theo "mệnh lệnh hợp pháp."

Ông Blinken và Austin lên tiếng cảnh báo về khả năng diễn ra những thay đổi trong nội bộ Mỹ thời gian tới. Ảnh: Visual China

Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã gửi thư tới toàn thể nhân viên Bộ Ngoại giao. Theo lá thư mà CNN có được, ngày 8/11, ông Blinken cam kết sẽ nói rõ với chính quyền sắp tới rằng, "các bạn đều là những người yêu nước."

Ông viết: "Giai đoạn chuyển giao (quyền lực) có thể mang tới sự khó lường, làm dấy lên những nghi ngờ về công việc của chúng ta trên khắp thế giới, cũng như về tương lai của Bộ Ngoại giao và đội ngũ nhân sự".

"Đây có vẻ là một thông điệp sắc bén", CNN nhận định, và dự đoán rằng một số quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao sẽ trở thành mục tiêu của ông Trump. Trước đây, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống đắc cử, nhiều nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã rời bỏ vị trí.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại