Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 13/11 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây đã hé lộ về một thỏa thuận 3 bên Armenia-Nga-Azerbaijan gần đi tới đích nhưng bị Yerevan phá vỡ vào phút chót.
Đáng lưu ý, bà Zakharova cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân làm rất nhiều việc để đạt được thỏa thuận này.
Hành động bất ngờ của Armenia
Theo bà Zakharova, vào tháng 6/2023, khi Armenia, Azerbaijan và Nga đã tiến rất gần tới việc khôi phục các tuyến đường vận tải trong khu vực thì Yerevan bất ngờ đình chỉ tất cả các định dạng 3 bên và ngừng tham gia vào ban chuyên trách.
Trong khi đó, "không hề quá khi nói về tầm quan trọng của thỏa thuận này: Nga và cá nhân Tổng thống Putin đã làm rất nhiều việc để đạt được các thỏa thuận đó, giúp chấm dứt đổ máu", bà Zakharova nói.
Viện dẫn cho phát ngôn của mình, nhà ngoại giao Nga gợi nhớ lại sự kiện vào tháng 1/2021, khi Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Moscow, với sự tham gia của lãnh đạo Armenia và Azerbaijan.
Tại hội nghị thượng đỉnh này, tiến trình hòa bình đã được khởi động, và một ban chuyên trách đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của các Phó Thủ tướng 3 nước.
Ngoài ra, trên cơ sở thỏa ước ngày 9/11/2020, một hệ thống các thỏa thuận 3 bên đã được thiết lập, trong đó có các hạng mục như soạn thảo hiệp ước hòa bình, dỡ bỏ phong tỏa giao thông, phân định và phân giới biên giới, cũng như thúc đẩy giao lưu giữa cộng đồng dân sự các quốc gia.
"Nhờ nền tảng này, chúng tôi đã có thể đạt được những kết quả thực sự và đáng kể đối với nhiều vấn đề" – Bà Zakharova nói.
Tuy nhiên, bà cáo buộc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là các bên trung gian đã gây sức ép cho Yerevan.
"Phương Tây đã tìm cách kiểm soát tiến trình hòa bình để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, từ đó đẩy Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ra ngoài. Đối với họ, số phận của người dân Nam Cacausus không quan trọng, họ chỉ bị thúc đẩy bởi tham vọng riêng.
Trong khi đó, chúng tôi thực sự quan tâm đến an ninh, ổn định và thịnh vượng của nam Caucasus. Khu vực này có lợi ích lịch sử, kinh tế và các mối quan tâm nhân đạo của chúng tôi.
Chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của khu vực, vì đây là cơ sở cho sự ổn định và an ninh" – Bà Zakharova nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 4/2024, khi đề cập tới sự ảnh hưởng của phương Tây đối với Armenia, bà Zakharova đã cảnh báo rằng, "Armenia chỉ được trao vai trò là một công cụ mà Mỹ và EU muốn lợi dụng để thổi bùng lên ngọn lửa lớn".
Trong thời gian qua, Armenia đã thể hiện quan điểm chống Nga khi tuyên bố đình chỉ tham gia tất cả các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) - liên minh gồm 6 nước do Nga dẫn đầu, thúc đẩy hội nhập chặt chẽ hơn EU, đồng thời yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rút khỏi sân bay quốc tế Zvartnot ở thủ đô Yerevan, và mới đây nhất là rút khỏi các chốt kiểm soát ở biên giới Armenia-Iran.
Trang tin Topcor và Info24 (Nga) vào đầu tháng 9 năm nay cho biết, Armenia cũng đã bắt đầu cung cấp các loại vũ khí từ thời Liên Xô cho Ukraine.
Theo tờ Politico (Mỹ), Armenia vốn có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Nga nhưng đang "nổi loạn" và hướng về phương Tây. Hiện tại, mối quan hệ giữa Moscow và Yerevan đã rơi xuống mức "thấp nhất lịch sử".
Gần đây nhất, hôm 8/11, Thư ký hội đồng an ninh Armenia Armen Grigoryan đã từ chối tham dự cuộc họp lần thứ 12 của các Thư ký Hội đồng An ninh Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Moscow. Thay vào đó, ông Grigoryan đã tới Lithuania để tham gia diễn đàn "Tương lai của nền dân chủ".
Yerevan điêu đứng trước kết cục sau khi phá vỡ thỏa thuận với Moscow
Bình luận về thỏa ước ngày 9/11/2020 mà bà Zakharova đề cập trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik Armenia ngày 13/11, cựu phó chủ tịch Quốc hội Armenia Eduard Sharmazanov cho rằng:
Sau khi phá vỡ thỏa thuận và từ chối sự hòa giải của Nga, chính phủ Armenia đã không tìm được giải pháp thay thế tương xứng và kết quả là đã "bị bỏ lại một mình" với cặp đôi Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan, những phía quyết định luật chơi và có thể từ bỏ các thỏa thuận bất cứ lúc nào.
"Các vấn đề đối với Armenia đã bắt đầu và tiếp diễn sau khi chính quyền Yerevan từ chối sự hòa giải của Nga trong các cuộc đàm phán với Azerbaijan. Chính phủ Yerevan nói rằng họ đang tiến hành đàm phán mà không có người hòa giải. Và tất cả chúng ta đều thấy rất rõ những gì đang xảy ra" – Ông Sharmazanov nói.
Theo ông, quá trình giải quyết ban đầu mặc dù khó khăn, nhưng đều nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận tháng 11/2020, được ký kết với sự tham gia của Nga.
Thỏa thuận này bao gồm việc coi vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh như một thực thể riêng biệt, có hành lang Lachin, lãnh thổ của Armenia không bị chiếm đóng, các vấn đề phân định biên giới không còn khúc mắc, Azerbaijan buộc phải công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Armenia.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào tháng 4/2022, khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhìn thấy những khó khăn của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và bắt đầu chuyển hướng. Hậu quả của sự định hướng lại này giờ đây đã lộ rõ.
Ông Sharmazanov tin rằng, nếu ông Pashinyan không rời khỏi nền tảng đàm phán của Nga thì cả Nagorno-Karabakh và hành lang Lachin đều sẽ được bảo đảm.
"Nagorno-Karabakh hiện đã mất, toàn bộ dân số đã rời đi, và cũng không có lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở đó. Kết quả, những gì chúng ta có là: mối quan hệ bị tổn hại hoặc lạnh nhạt với Nga và Iran, thiếu đồng minh và phải đối diện với mối đe dọa về một cuộc leo thang mới" – Ông Sharmazanov nêu quan điểm.
Theo ông, tính toán của Thủ tướng Armenia dựa trên thực tế là Nga sớm muộn sẽ rời khỏi Nam Caucassus, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan sẽ không đi đâu cả.
"Tuy nhiên trước tiên, ông ấy không hiểu rằng trong kế hoạch của Ankara đã, đang và sẽ không có chỗ cho Armenia như một yếu tố chính trị độc lập.
Thứ hai, Nga sẽ không đi đâu cả, họ đã giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ 5 lần chỉ trong hai thế kỷ qua vì lợi ích của Caucasus, hàng trăm nghìn binh lính Nga đã chết trong những cuộc chiến này.
Chính phủ Armenia không nhận ra tất cả những điều này mà đã đưa ra luận điểm rằng CSTO đang rời khỏi khu vực.
Cả CSTO và Nga đều không rời khỏi khu vực này. Hơn nữa, với việc ông [Donald] Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, Nga sẽ gia tăng lợi ích chính trị của mình ở Nam Caucasus" – Ông Sharmazanov nêu quan điểm.
Vị chính trị gia tin rằng, Armenia chỉ có thể đảm bảo tương lai trong một liên minh sâu sắc và chặt chẽ với Nga.