7 lần từ chối Nga
Tờ báo trực tuyến chính thức của Quốc hội Liên bang Nga Pnp.ru ngày 9/10 cho biết, có 3 quốc gia đã từ chối hợp tác với Nga vì các lý do chính trị.
Cụ thể, Latvia, Canada và Thụy Sĩ đã từ chối các đề nghị hỗ trợ pháp lý của Nga trong năm 2024. Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga cho biết, tổng cộng trong năm nay, đề nghị hỗ trợ pháp lý của Nga đã bị từ chối 27 lần, trong đó có 7 lần từ chối với lý do liên quan đến chính trị. Trong số 7 lần này, Latvia và Thụy Sĩ mỗi nước từ chối 3 lần, Canada từ chối 1 lần.
Văn phòng công tố Nga cho biết thêm rằng, Văn phòng Tư pháp Thụy Sĩ đã từ chối cung cấp hỗ trợ pháp lý cho Nga trong một vụ án tham nhũng. Khi phản hồi lại đề nghị của Nga, Thụy Sĩ chỉ trả lời ngắn gọn rằng: "Không thể hỗ trợ pháp lý cho Moscow".
Ở các lần trước đó, Thụy Sĩ đã từ chối bằng cách trích dẫn "những nghi ngờ về việc Nga sẽ tuân thủ các đảm bảo hoặc tuân thủ nghĩa vụ pháp lý quốc tế".
Latvia bắt giữ "lính Nga"
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 10/10 đưa tin, Cơ quan An ninh quốc gia Latvia vừa mở vụ án hình sự chống lại một người đàn ông gia nhập quân đội Nga. Trước đó, người này đã bị bắt giữ sau khi vượt biên trái phép từ Nga về Latvia.
Thông tin do Latvia công bố cho biết, người này là công dân Latvia đã ký hợp đồng với lực lượng vũ trang Nga. Theo luật pháp của nước cộng hòa Baltic, gia nhập quân đội Nga là hành vi vi phạm pháp luật.
European Pravda dẫn thông báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Latvia nêu:
"Cơ quan An ninh quốc gia Latvia đã mở vụ án hình sự đối chống lại đối tượng này theo Điều 95.1 Bộ Luật hình sự vì vi phạm lệnh cấm được quy định trong Luật An ninh Quốc gia về việc phục vụ lực lượng vũ trang Nga.
Dựa trên thông tin mà Cơ quan An ninh Quốc gia Latvia có được, người này đã ký hợp đồng nghĩa vụ quân sự với lực lượng vũ trang Nga.
Bên cạnh đó, Cục Biên phòng quốc gia Latvia đã tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với đối tượng trên theo khoản đầu tiên của Điều 284 Bộ Luật hình sự Latvia về tội cố ý vượt biên trái phép.
Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, và các cơ quan chức năng sẽ cung cấp thêm thông tin về tiến độ vụ việc."
Theo TASS, vào năm 2022, Saeima (Quốc hội Latvia) đã thông qua các sửa đổi đối với luật an ninh quốc gia, trong đó cho phép công dân nước này chiến đấu trong lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng cấm phục vụ lực lượng vũ trang Nga. Công dân Latvia nào tham gia các hoạt động quân sự tại Ukraine với tư cách là một phần của quân đội Nga đều phải đối mặt với trách nhiệm hình sự.
Tờ Financial Times hồi tháng 5 cho hay, ba quốc gia vùng Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania đã đề cập tới khả năng đưa quân tới Ukraine, nhấn mạnh rằng an ninh của họ gắn chặt với Kiev.
Ngoài vụ việc trên, Latvia đang tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực trục xuất các công dân Nga ra khỏi nước này. Từ đầu năm nay, truyền hình Latvia đưa tin quá trình trục xuất quy mô lớn khoảng 1.000 công dân Nga "không tuân thủ các yêu cầu của Luật Di trú do Latvia đặt ra" đã bắt đầu. Trước đó, hoạt động trục xuất diễn ra nhỏ lẻ hơn.
Nhóm đối tượng bị trục xuất là những người chưa tham gia bài kiểm tra ngôn ngữ theo yêu cầu của chính quyền bản địa và chưa xin giấy phép cư trú. Các công dân Nga trong nhóm này đã nhận được thư yêu cầu rời khỏi Latvia trong vòng 2 tuần tiếp theo, hoặc phải nhanh chóng thu xếp tình trạng pháp lý ở Latvia.
Tới giữa tháng 9 vừa qua, đài Radio Moldova cho biết, các công dân Nga cư trú tại Latvia tiếp tục nhận được "tối hậu thư". Theo đó, những người không vượt qua được kỳ thi tiếng Latvia bắt buộc sẽ phải rời đi trong vòng 30 ngày hoặc đối mặt với "cưỡng chế trục xuất".
Theo trang tin Koha của Kosovo ngày 22/9, trong vòng 12 tháng trở lại đây, Văn phòng Công dân và Di trú Latvia đã ban hành 63 lệnh yêu cầu các công dân Nga không qua được bài kiểm tra ngôn ngữ phải rời khỏi Latvia. Trong số này có 9 trường hợp cưỡng chế trục xuất.
Thông tin do Koha nắm được cho biết, 632 công dân Nga không vượt qua được bài kiểm tra ngôn ngữ đã tự nguyện rời đi trước khi nhận thông báo bị trục xuất, nhưng còn nhiều người khác đang trong tình trạng không chắc chắn. Họ nằm trong số chưa bao giờ vượt qua được bài kiểm tra ngôn ngữ hoặc đang nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép cư trú tại Latvia.
Ông Putin có động thái - Hé lộ kịch bản trả đũa
Hiện chính phủ Nga chưa đưa ra bình luận về việc công dân Latvia ký hợp đồng với quân đội Nga bị bắt giữ, nhưng theo cổng thông tin truyền thông công cộng của Latvia LSM, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy việc thiết lập các tiền đề về thông tin cho "một cuộc leo thang sắp tới" nhằm chống lại các nước Baltic, trong đó có Latvia.
"Ông Putin có thể đang thiết lập các tiền đề cho hành động của Nga trong tương lai với danh nghĩa bảo vệ công dân Nga" - LSM cho hay.
Trước đó, vào tháng 1 năm nay, khi nói về kế hoạch của Latvia nhằm trục xuất người Nga, ông Putin cho rằng "Đây là phát minh kỳ lạ của những người mong muốn được gọi là quốc gia dân chủ".
Theo nhà lãnh đạo Nga, Latvia, cũng như các nước vùng Baltic, từ lâu đã có khuynh hướng bài Nga, thậm chí cả trước khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
"Đây là tất cả những gì diễn ra tại các quốc gia vùng Baltic, trước mắt toàn thế giới, và đã bắt đầu từ rất lâu trước chiến dịch quân sự đặc biệt. Chiến dịch đặc biệt không liên quan gì tới điều này.
Có thể ai đó đã quyết định lợi dụng chiến dịch đặc biệt để giải quyết các vấn đề đối nội của họ, nhưng đó là việc riêng của họ. Tất nhiên, điều đó không khiến họ trở nên tốt đẹp hơn" – Ông Putin nhấn mạnh.
Tờ Bild trích dẫn một tài liệu mật của quân đội Đức cho biết, NATO đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn của Nga vào sườn phía đông liên minh. Các cuộc tấn công mạng và chiến tranh phức hợp được cho là sẽ xảy ra trong năm nay, chủ yếu ở các nước vùng Baltic. Trong đó, kịch bản chiến tranh phức hợp tập trung vào yếu tố xung đột sắc tộc ở Latvia.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs ngày 9/10 tuyên bố, một cuộc chiến tranh phức hợp dường như đã diễn ra gần biên giới Latvia và các quốc gia đồng minh. Latvia đã phản ứng lại bằng cách phát động chiến dịch quy mô lớn bắt giữ những người di cư bất hợp pháp. Trong ngày 8/10, hơn 40 người vượt biên trái phép đã bị bắt giữ và đưa trở lại Belarus - quốc gia đồng minh thân cận của Nga.