Rộ tin 1 nước hành động, S-400 sắp về tay Kiev: Nga cảnh cáo nóng, tung điều khoản "trói tay kẻ nổi loạn"

Minh Nhật |

Ngoài giao S-400 cho Ukraine, nước này còn có khả năng sẽ cho Mỹ tiếp cận và "mổ xẻ" hệ thống vũ khí được mệnh danh là "chiến thần" của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể bỏ S-400 để đổi lấy F-35

Tờ EA Daily (Nga) ngày 3/10 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc khả năng từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triump của Nga và thậm chí loại nó ra khỏi chương trình phòng không quốc gia.

Thời gian qua, Ankara được cho là đã chuyển hướng đạn dược do Serbia cung cấp sang cho Ukraine. Điều này càng thúc đẩy Nga phải phát cảnh báo ngay từ khi Thổ Nhĩ Kỳ nhen nhóm ý định.

Trước đó, vào năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400 với giá trị thỏa thuận là 2,5 tỷ USD. Để đáp trả, Mỹ đã quyết định loại Ankara ra khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 (JSF), đồng thời cấm chuyển giao máy bay này cho Thổ Nhĩ Kỳ dù đã đặt trước.

Cũng từ đây, Washington áp đặt nhiều lệnh trừng phạt và hạn chế với Ankara, đặc biệt là về hợp tác quân sự.

Ví dụ, Mỹ từ chối chuyển giao phiên bản nâng cấp của tiêm kích F-16, khiến Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tụt hậu rất xa về mặt công nghệ so với các đối thủ trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Hy Lạp – đối thủ chính của Ankara – không chỉ duy trì đội bay ở mức hiện đại, mà còn nâng cấp đáng kể khi nhập khẩu trang thiết bị mới.

 - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RG

Theo EA Daily, ban đầu, Ankara khẳng định sẽ không từ bỏ S-400. Tuy nhiên, trong những ngày qua, càng có nhiều báo cáo cho biết họ đang đàm phán bí mật để quay trở lại chương trình JSF.

Tờ báo Nga đánh giá, những thỏa thuận như vậy "không phải bất thường" vì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng chấp nhận cho Thụy Điển gia nhập NATO để đổi lấy việc các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ được hiện đại hóa.

Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ cân nhắc từ bỏ hệ thống phòng không S-400, mà còn loại trừ hệ thống này ra khỏi chương trình phòng không quốc gia Steel Dome (Vòm Thép).

Các báo cáo vào đầu tháng 8 năm nay cho biết, chương trình Steel Dome kết hợp một mạng lưới phòng không đa cấp, với khoảng một chục dự án đang được phát triển hoặc đã đưa vào sử dụng, trong đó S-400 được đánh giá là hệ thống phòng không mạnh nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại.

Ngày 29/8, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phủ nhận thông tin do truyền thông nước này đăng tải rằng, Ankara đã từ bỏ hệ thống phòng không S-400 của Nga để đổi lấy nguồn cung F-35 từ Washington.

Song, khi được hỏi Ankara có đang nỗ lực quay trở lại chương trình JSF và tiếp tục mua F-35 hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler trả lời rằng, "các cuộc đàm phán giữa Ankara và Washington về vấn đề này vẫn đang diễn ra".

Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan nói: "Quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào tổng thống, nhưng chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị. Ít nhất thì cả hai bên đều đồng ý rằng vấn đề này (việc Thổ Nhĩ Kỳ có S-400) đang cản trở sự phát triển của quan hệ song phương".

Về phía Mỹ, cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Rubin cho biết, "các nguồn tin của tôi trong khu vực cho biết rằng trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm nay, Thứ trưởng Quốc phòng Celeste Wallander và cố vấn tổng thống Michael Carpenter đã thảo luận với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia hạn thỏa thuận F-35.

Để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình, họ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao S-400 cho Hoa Kỳ hoặc chuyển giao chúng cho khu vực của Hoa Kỳ tại Incirlik".

Theo EA Daily, điều này cho thấy các báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn từ bỏ S-400 "không hoàn toàn vô căn cứ". Tờ báo cho biết, hiện có rất nhiều suy đoán về phương thức mà Ankara có thể lựa chọn để quay trở lại chương trình JSF, trong đó có cả phương án Ukraine sẽ nhận được S-400.

 - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng S-400 để đổi lấy F-35? Ảnh: Turkish Defense News

Một phương án khác là cho phép Mỹ và NATO kiểm tra, "mổ xẻ" tổ hợp tên lửa này. Tuy nhiên, động thái đó khó có khả năng "qua mắt" được Moscow do đây là một trường hợp vi phạm hợp đồng nghiêm trọng.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp được cho là đã bàn giao hệ thống phòng không S-300 PMU1 (do Nga sản xuất) cho Ukraine. Athens sau đó đã lên tiếng phủ nhận, đồng thời khẳng định họ vẫn coi trọng hệ thống phòng không của Nga, vì chúng hiệu quả hơn nhiều so với các hệ thống do Mỹ và NATO cung cấp.

Tuy nhiên, do Hy Lạp đã chuyển giao các loại vũ khí khác cho Kiev nên Washington vẫn chấop thuận bán công nghệ quân sự mới nhất cho nước này, bao gồm cả F-35.

Tờ báo Nga dự đoán, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cố gắng hết sức để bắt kịp bước đi này của nước láng giềng, thậm chí có thể chấp nhận rủi ro mà cho Mỹ tiếp cận và nghiên cứu S-400.

Cùng bình luận về chủ đề này, chuyên trang tin tức quân sự và quốc phòng zona-militar (Argentina) cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc giao S-400 cho Mỹ và Ukraine là dấu hiệu cho thấy nước này đang "nổi loạn" và "phản bội" Nga, trong bối cảnh Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmuş vừa tới thăm Moscow từ ngày 23-26/9 vừa qua và ca ngợi mối quan hệ giữa hai phía, đồng thời "chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga".

 - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters

Nga tung điều khoản "trói tay" Ankara

Phản ứng trước các báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp tên lửa S-400 cho Mỹ và NATO, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Ankara sẽ "không thể bán S-400 nếu không có sự chấp thuận của Moscow".

"Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một chính khách giàu kinh nghiệm và ông sẽ đưa ra quyết định về mọi vấn đề dựa trên lợi ích của người dân và nhà nước của mình.

Tuy nhiên, trong hợp đồng bán vũ khí, đã có một điều khoản về chứng nhận sử dụng cuối cùng. Để làm gì đó với sản phẩm được giao dưới chứng nhận này, quốc gia khách hàng - được chỉ định là người sử dụng cuối cùng - cần phải có sự đồng ý của quốc gia cung cấp vũ khí đó" – Ông Lavrov nói.

Giới chuyên gia nhận định, ngoài điều khoản trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc thêm về những tác động trong mối quan hệ với Nga, nhất là trong bối cảnh nước này đang xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mà Nga là thành viên then chốt và đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên.

Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập BRICS và sẽ được xem xét. Ông Erdogan đã nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS (dự kiến tổ chức từ ngày 22-24/10 tới tại Kazan, Nga).

Theo Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, việc gia nhập được BRICS sẽ có lợi cho nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xây dựng chính sách đối ngoại độc lập. Bên cạnh đó, tư cách thành viên của tổ chức này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ củng cố các lợi ích kinh tế ở Nam bán cầu, bao gồm Trung Á và châu Phi, đồng thời tạo cơ hội cho Ankara vun đắp mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy các động thái tiếp cận Trung Quốc. Chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan tới Bắc Kinh đã đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một đại diện ngoại giao cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Quốc trong 12 năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại