F-35 có thể trở thành “máy bay gián điệp” cho Mỹ

Tuấn Sơn |

Ngày 31-10, hãng tin Flightglobal dẫn các nguồn tin bí mật đăng tải, nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ đang bày tỏ lo ngại về vấn đề máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II đặt mua vẫn tự động cập nhật thông tin về trung tâm quản lý thông tin của hãng chế tạo Lockheed Martin tại Mỹ.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Lockheed Martin đã phải lên tiếng xác nhận và tuyên bố sẽ sớm giới thiệu gói phần mềm mới giúp "giữ bí mật các thông tin nhạy cảm" của các quốc gia đặt mua F-35.

Nguồn tin cho biết, hệ thống phần mềm hiện nay trên F-35 cho phép ghi lại toàn bộ thao tác của phi công và máy bay, cũng như các thông tin về chỉ số sinh tồn của thiết bị.

Sau khi hạ cánh và kết nối với hệ thống quản lý hậu cần, toàn bộ thông tin này được tự động hóa phân tích sơ bộ và sau đó chuyển về hệ thống máy chủ của hãng Lockheed Martin ở Fort Worth, bang Texas.

Điểm đáng chú ý là ngoài thông tin về tình trạng kỹ thuật của các thiết bị, nhiều thông tin đặc biệt liên quan tới hoạt động tác chiến, thông tin bay cũng được chuyển về Mỹ. Hệ thống xử lý thông tin trên được biết tới với tên gọi Autonomic Logistics Information System – ALIS.

F-35 có thể trở thành “máy bay gián điệp” cho Mỹ - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu F-35 Lightning II. Ảnh: Defensetalk.

Theo quan điểm của nhiều quốc gia đặt mua F-35, việc thu thập các thông tin liên quan tới hàng không quân sự có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia nước sở tại.

Đại diện hãng Lockheed Martin cho biết, vấn đề trên sẽ được giải quyết bằng cách phát triển hệ thống "tường lửa" Sovereign Data Gateway - SDG giữa máy bay F-35 với hệ thống máy chủ ALIS ở Texas. Theo đó, các thông tin của máy bay F-35 sẽ được SDG xử lý.

Các chuyên gia quân sự nước sở tại có thể can thiệp xóa bỏ các thông tin liên quan tới bí mật quân sự, trước khi thông tin này được chuyển về máy chủ ALIS ở Mỹ.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, hiệu quả nâng cao độ tin cậy khi trong quá trình hoạt động của F-35 thông qua ALIS hiện vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, việc thông tin liên quan tới hoạt động hàng không quân sự có nguy cơ bị rò rỉ luôn là vấn đề quan ngại đối với mọi quốc gia.

Cần nhấn mạnh rằng, quá trình phát triển F-35 đã chậm tiến độ và dính nhiều bê bối, trục trặc. Gần đây nhất, Cơ quan Quản lý thử nghiệm và kiểm soát chất lượng (OT & E) thuộc Lầu Năm góc khẳng định, dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 này có lỗi trong phần mềm điều khiển, dễ tổn thương khi trúng sét và các chuyến bay thử của F-35 hạn chế nhiều do lỗi kỹ thuật.

Thậm chí, các đơn vị F-35A đầu tiên bàn giao cho Không quân Mỹ cũng bị phát hiện nhiều vấn đề liên quan tới lỗi kỹ thuật.

Được thiết kế với nhiều tính năng tân tiến, trong đó có khả năng tàng hình, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD). Tuy nhiên, giá thành của F-35 có thể sẽ tăng lên nhiều do các lỗi kỹ thuật và quá trình phát triển chậm tiến độ tới 7 năm.

Ngoài Quân đội Mỹ, F-35 hiện đang được các nước Anh, Hà Lan, Italia, Israel, Canada, Na Uy, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc quan tâm đặt mua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại