F-16 có thể đối mặt tiêm kích và nhiều tầng phòng không

Kiên Bùi |

Tờ Politico dẫn nguồn tin trong Lầu Năm Góc cho biết, khả năng chiến đấu cơ Nga và Mỹ đụng độ trên bầu trời Ukraine là rất cao trong thời gian tới.

F-16 có thể đối mặt tiêm kích và nhiều tầng phòng không - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16.

Cần 4 phi đội

Theo Politico, Lầu Năm Góc hiện không những không phản đối mà còn bật đèn xanh để các quốc gia khác chuyển tiêm kích đa năng F-16 cho Ukraine. Việc F-16 đến Kiev phù hợp với chiến lược tăng dần ảnh hưởng của phương Tây vào cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay.

Đối với Washington và Brussels, đây là một bước hợp lý sau khi Anh đã chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho lực lượng không quân của Kiev.

Hiện nay, Anh và Hà Lan đã quyết định thành lập một liên minh quốc tế với mục đích cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất.

Kiev đã nhận được nhiều lời hứa hẹn, trong đó Ba Lan tình nguyện huấn luyện phi công, Anh cùng Hà Lan sẽ làm mọi cách để Kiev nhận được F-16. Một số quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là Bỉ cũng không giấu giếm kế hoạch tương tự của mình.

"Chúng tôi phải cần ít nhất 40 hoặc 50 chiếc F-16 để tạo thành ba hay bốn phi đội bảo vệ không phận. Hiện tại, đất nước chúng tôi không có gì có thể ngăn chặn tiêm kích Nga", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 19/5.

Không chỉ cần F-16, Ukraine còn muốn Pháp chuyển giao tiêm kích thế hệ 4++ Rafale, Thụy Điển chuyển giao JAS-39 Gripen và nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tham vọng với 2 dòng tiêm kích thế hệ mới này của Kiev không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ 2 quốc gia kể trên.

Khó tránh đòn đánh chặn từ cả tiêm kích và hệ thống phòng không

Không phải vô cớ mà Lực lượng Vũ trang Ukraine muốn có F-16. Đa năng và rẻ tiền. Kể từ năm 1978, đã có hơn 4.600 chiếc được sản xuất. Chúng đang phục vụ tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dòng tiêm kích thế hệ 4 này có thể sử dụng gần như toàn bộ các loại vũ khí hàng không chiến thuật chuẩn NATO.

Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Nga lưu ý: "Máy bay vẫn tốt, vẫn còn khá hiện đại. Và nó vẫn đang được hiện đại hóa. Nhưng nếu chiến đấu cơ này đến Ukraine, đơn giản là lực lượng vũ trang Nga sẽ phá hủy chúng theo cách dễ dàng nhất".

Quyết tâm của các quốc gia phương Tây cũng có thể bị ảnh hưởng bởi vụ việc gần đây ở Kiev: Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã bắn trúng và phá hủy hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Điều này đã được công nhận bởi cả Washington.

Dù còn khá tốt và nguy hiểm nhưng F-16 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về khả năng xâm nhập được hệ thống phòng không hiện đại. Người Mỹ sợ rằng một khi họ chuyển giao F-16 cho Kiev, những máy bay chiến đấu sẽ bị bắn rơi hoặc sẽ "lọt vào tay kẻ xấu".

Cũng theo tờ Politico, cùng với sự nguy hiểm từ phía tiêm kích Nga mà F-16 phải đối mặt khi đến Kiev, những chiến đấu cơ này khó lòng thoát đòn đánh chặn từ hệ thống phòng không nhiều tầng của Nga. Đáng chú ý nhất trong số đó là Buk-M2, Buk-M3, Pantsir... xa hơn nữa là S-300V4 và S-400.

Trong thực tế, hệ thống S-300V4 đã lập kỷ lục phòng không thế giới khi đuổi kịp tiêm kích mục tiêu ở khoảng cách hơn 200 km. Vấn đề càng trở nên nguy hiểm với tiêm kích Mỹ sản xuất là radar của các tổ hợp Nga nhìn thấy F-16 một cách rõ ràng cách xa cả trăm km.

"Khi F-16 đồng loạt đến Ukraine, chúng sẽ phải đối mặt với lực lượng Nga hùng mạnh với kết quả sẽ rất thê thảm và khiến hình ảnh của tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ bị xấu đi.

Mặc dù vậy, khả năng đối đầu giữa tiêm kích Mỹ sản xuất và Nga trên bầu trời Kiev vẫn rất cao bởi các nước phương Tây khẳng định sẽ thực hiện tuyên bố chuyển giao máy bay của mình", báo Mỹ kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại