Kết quả thăm dò ngoài vòng bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine cho thấy, ứng cử viên Volodimyr Zelensky chiến thắng áp đảo trước Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko.
Trong bối cảnh ông Zelensky chưa đưa ra một đường hướng chính sách rõ ràng, nhiều nước Liên minh châu Âu đang cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với gương mặt mới trên chính trường Ukraine, với hy vọng ông có thể tiếp tục thực hiện những cải cách hiệu quả, hướng đến EU và NATO cũng như thoát khỏi cái bóng ảnh hưởng của Nga.
Giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nhưng ông Zelensky là một gương mặt chính trị mới với nhiều nhà ngoại giao ở Brussels. Nhiều quan chức châu Âu còn thừa nhận rằng, chưa xác định được tầm nhìn xa hơn của ứng cử viên này ngoài những tuyên bố của ông trong chiến dịch tranh cử.
Đến nay, ông Zelensky vẫn chưa công bố cụ thể đường hướng chính sách sắp tới, ngoại trừ một số điểm về đối ngoại và an ninh. Khẳng định sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, ông Zelensky cam kết sẽ khôi phục tiến trình hòa bình Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông.
“Chúng ta sẽ hành động trong khuôn khổ Normandy, tiếp tục tiến trình hòa bình Minsk. Chúng ta sẽ bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán. Tôi nghĩ sẽ chỉ định các vị trí mới và trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ tiếp tục đi theo con đường thỏa thuận hòa bình Minsk”, ông Zelensky nói.
Trong mối quan hệ với phương Tây, ứng cử viên giành chiến thắng cũng khẳng định sẽ tiếp tục con đường thân phương Tây, nhưng dường như không “vồ vập” như Tổng thống Poroshenko.
Liên minh châu Âu thời gian qua đầu tư mạnh về kinh tế và chính trị vào Ukraine, với hy vọng đây sẽ là một hình mẫu tiềm năng cho các nước láng giềng Liên Xô cũ tách dần xa cái bóng ảnh hưởng của Nga.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Porosenco, khối 28 nước thành viên EU dường như mất kiên nhẫn với tình trạng tham nhũng và dân chủ tại quốc gia này.
Cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine với sự lựa chọn áp đảo dành cho ông Zelensky, khiến các quan chức châu Âu hy vọng làn gió mới trên chính trường Ukraine sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách theo khuyến nghị của khối một cách hiệu quả hơn.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, nhiều lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Zelensky.
Nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu là một thành công lớn sau 5 năm, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, nhà lãnh đạo sắp tới của Ukraine có thể trông cậy vào sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với con đường cải cách của nước này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh, sự ổn định của Ukraine và giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông là mối quan tâm của EU. Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực Ukraine về quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tương lai. Bà Merkel cũng bày tỏ mong muốn sớm được đón tiếp ông Zelensky.
Không chỉ người dân Ukraine mà cả EU hay Nga đều đang chờ đợi cách tiếp cận cụ thể hơn của Tổng thống sau khi kết quả chính thức được công bố. Nhưng rõ ràng là nhiệm kì sắp tới của ông Zelensky sẽ đối mặt với không ít thách thức, trước mắt là trả khoản nợ nước ngoài khổng lồ. Ukraine không thể làm được điều này nếu không có sự hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế và Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, với ưu tiên của ông Zelensky thúc đẩy tiến tình Normandy để giải quyết xung đột tại miền Đông, Ukraine cũng cần sự hỗ trợ đắc lực của Liên minh châu Âu. Và để đối lấy sự hỗ trợ cả về kinh tế và chính trị của EU, Ukraine sẽ tiếp tục phải thực hiện các điều kiện cải cách khắt khe.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, dù chưa hề có kinh nghiệm chính trị nhưng ông Zelensky được cử tri kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho chính trường vốn nhiều bê bối của Ukraine cũng như vực dậy nền kinh tế - xã hội đang trì trệ.
Chưa có ai nhận được tỉ lệ ủng hộ của người dân lên đến hơn 70% trong một cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine, sẽ là nền tảng thuận lợi để ông Zelensky giải quyết các thách thức của mình./.