Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Sự thật đã phơi bày

Bảo Hân |

Bên cạnh việc chỉ rõ những sai phạm của Tổng thầu Trung Quốc, Bộ GTVT cần có những biện pháp xử lý cương quyết hơn.

Phải giải quyết với tinh thần cương quyết, triệt để

Ngày 14/9, tại cuộc họp kiểm điểm Dự án án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thẳng thắn đã nhận xét Tổng thầu Trung Quốc: "Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…”.

Hơn nữa, đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng Tổng thầu Trung Quốc thì vẫn “bình chân như vại”, thậm chí cố tình kéo dài thời gian hoàn thành dự án.

Trước thông tin này, chia sẻ với Đất Việt, ngày 15/9, ông Lê Kim Thành cho biết: "Bây giờ mọi nhận định về nhà thầu cũng đã được chỉ ra tại cuộc họp kiểm điểm, cho nên cái gì đến sẽ đến".

Bày tỏ quan điểm với Đất Việt, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, điều này là bằng chứng xác đáng cho thái độ tinh thần trách nhiệm, ý thức của nhà thầu TQ đang có nhiều vấn đề, kéo dài thời gian làm trì trệ tiến độ thi công dự án, dẫn tới những hành vi khuất tất, yếu kém cả về năng lực lẫn tinh thần trách nhiệm.

Và việc Bộ GTVT chỉ thẳng lỗi của nhà thầu, không chỉ một lần mà đã nhiều lần, đó cũng là trường hợp hiếm gặp.

Ông Thủy phân tích: "Hiện nay, chúng ta phụ thuộc Trung Quốc vì nguồn vốn ODA, phía Trung Quốc cầm chắc thế vững nên gây khó khăn cho Việt Nam.

Ở đây, rõ ràng, việc chọn nhà thầu không những là vấn đề năng lực, mà còn là cả vấn đề ý thức, đạo đức nghề nghiệp, tính tổ chức, kỷ luật trong quan hệ với đối tác. Nhà thầu Trung Quốc tất cả các yếu tố đều yếu kém, nhất là đối với quan hệ quốc tế.

Một nhà thầu quốc tế thể hiện như vậy là trình độ quá thấp cả về đạo đức nghề nghiệp, cũng như năng lực chuyên môn. Cho nên, việc chọn nhà thầu trong dự án này là sai lầm".

Tuy nhiên, theo ông Thủy, Tổng thầu Trung Quốc đã đi quá sâu vào dự án, khi dự án đã được thực hiện 50-60%, sắp hoàn thành, thì khó quay trở lại.

Cũng như chuyện theo nhà thầu hứa thì chỉ cần 6 tháng để hoàn thành, nhưng điều đó nhất định không thể thực hiện vì dự án hiện nay quá nhiều phần chưa hoàn thiện, lắp ghép dầm, dòng diện vẫn chưa xong, trong khi còn rất nhiều hạng mục khác chưa làm. Nên mốc thời gian 6 tháng có thể coi là phi lý.

Bức xúc, ông Thủy cho hay: "Trước đây chúng ta đã từng nhận xét rất nhiều về Tổng thầu Trung Quốc, Bộ trưởng Thăng thậm chí thể hiện động thái cương quyết, chấn chỉnh nhà thầu, nhưng cái thế của chúng ta phụ thuộc vào hợp đồng, trong khi hợp đồng có nhiều kẽ hở, nên nhà thầu tha hồ tung hoành, trong khi chúng ta ngập sâu vào sự phụ thuộc nguồn vốn, ý thức trách nhiệm, lòng tin với nhà thầu.

Tuy nhiên, đây cũng được coi là nỗ lực của Bộ GTVT trong việc đảm bảo quyền lợi cho phía Việt Nam cả về chất lượng cũng như giảm thiểu số tiền đầu tư, khi liên tiếp đưa ra những nhận định cũng như chỉ thẳng lỗi của nhà thầu.

Nhưng phải bàn cặn kẽ ở tầm quốc gia, cụ thể từng công việc của công trình này, một cách khoa học thì mới có thể giải quyết được, thậm chí phải giải quyết với tinh thần cương quyết, triệt để, công bằng, khoa học".

Phải căn cứ vào hợp đồng để giải quyết

Hiện nay, theo ông Thủy, cả xã hội đã không còn tin vào nhà thầu Trung Quốc và khi đã đến mức này thì Bộ GTVT nên báo cáo với Chính phủ đình chỉ nhà thầu này, buộc bên Trung Quốc chọn nhà thầu khác, đền bù những tổn thất đã gây ra cho Việt Nam.

Ông Thủy cho hay: "Vừa rồi công an đã làm được một số việc, tôi cho là nên làm, như cưỡng chế các nhà thầu ngăn chợ, ngăn đường mà không thực hiện thi công.

Còn bây giờ rút ra bài học, kinh nghiệm thì có lẽ chưa cần bằng việc thúc đẩy tiến độ để hoàn thiện xong công trình".

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thám-Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng HN cũng cho rằng: "Chúng ta càng cấp bách thì nhà thầu càng bình chân, bởi kéo dài thời gian thì sẽ càng được lợi về vấn đề nguồn vốn cho vay ODA.

Hiện nay, Bộ GTVT cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án để hạn chế những thiệt thòi cho phía Việt Nam.

Tuy nhiên, để xử lý được nhà thầu, thì phải căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng, bởi theo các tiêu chuẩn hợp đồng của thế giới, sẽ có điều khoản phụ lục kèm theo, nếu làm chậm tiến độ, chất lượng kém thì sẽ bị phạt ra sao.

Chúng ta phải dựa theo hợp đồng đó thì mới đủ cơ sở pháp lý để làm việc với nhà thầu".

Cho nên, trách nhiệm của Bộ là phải xử lý để bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư là phía Việt Nam.

Cũng chính vì thế, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, sau công trình này, Việt Nam nên rút kinh nghiệm, không nên giao các công trình quan trọng của đất nước cho nhà thầu Trung Quốc, nên tìm những đơn vị đắt hơn một chút nhưng có uy tín như Nhật Bản, một đất nước có nhiều kinh nghiệm về xây dựng công trình trong thành phố.

"Bên cạnh đó, nên sử dụng thông tin đại chúng tạo áp lực cho nhà thầu Trung Quốc, đăng tải không chỉ báo chí trong nước mà phải cả báo chí quốc tế thì mới hy vọng thay đổi được chất lượng hiện có", ông Thủy nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại