Nhiều học sinh thường ám ảnh với môn Hóa vì không hiểu học một dãy các công thức hóa học, phân tích hóa chất... phức tạp để làm gì? Đấy là khi bạn chưa biết vận dụng vào thực tế thôi, điển hình bằng việc có thể lý giải câu ca dao tục ngữ từ thời ông bà ta!
Mới đây, một câu hỏi trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia dù rất thực tế nhưng vẫn khiến thí sinh không giải nổi. "Dân gian có câu: "Anh đừng bắc bậc làm cao/Phèn chua em đánh nước nào cũng trong". Bằng kiến thức hóa học, bạn hãy giải thích câu ca trên".
Câu hỏi xuất hiện trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia
Câu ca dao tục ngữ có thể tóm gọn trong ý: "Phèn chua em đánh nước nào cũng trong".
Dùng phèn chua nhiều nhưng bạn có biết tại sao phèn chua lại hòa tan khi thả vào nước?
Đầu tiên, phèn chua rất có ích trong đời sống. Phèn chua thường có màu trắng, đôi khi không trong suốt, không màu. Loại muối này tan nhiều trong nước và đặc biệt không tan trong cồn. Chúng thường được sử dụng để làm trong nước đục, sản xuất vải chống cháy và bột nở.
Phèn chua là muối sunfat kép ngậm nước có công thức hóa học là K₂SO₄.Al₂(SO₄)₃.24H₂O.
Phèn chua không độc, có vị chát chua, ít tan trong nước lạnh nhưng tan rất nhiều trong nước nóng. Khi cho phèn chua vào nước sẽ phân li ra ion Al³⁺. Chính ion Al³⁺ này bị thủy phân theo phương trình:
Al³⁺ + 3H₂O ⇌ Al(OH)₃↓ + 3H⁺
Kết quả tạo ra Al(OH)₃ là chất kết tủa dạng keo nên khi khuấy phèn chua vào nước, nó kết dính các hạt đất nhỏ lơ lửng trong nước đục thành hạt đất to hơn, nặng và chìm xuống làm trong nước.
Phèn chua được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày