Khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang thay đổi theo hướng đi tới một cuộc đối đầu quân sự, yếu tố Nga đang ngày càng trở nên quan trọng hơn giữa bối cảnh chiến tranh sắp nổ ra, hai chuyên gia Pyotr Kortunov và Abdolrasool Divsallar từ Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC) nhận định.
Chính sách Trung Đông của Nga từ trước đến nay được thể hiện bằng các hành động cân bằng nhằm đảm bảo vai trò của Moscow như một trung gian quyền lực linh hoạt và hiệu quả.
Chính vì lẽ đó, một sự sụp đổ tiềm năng của Iran có thể làm suy yếu khả năng cân bằng của Moscow ở khu vực Trung Đông. Viễn cảnh này có khả năng làm tê liệt chính sách của Nga ở Syria bằng cách trao thêm sự tự do hành động cho các nhóm đồng minh của Mỹ, làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Assad đang trên đà phục hồi.
Từ trước đến nay, Nga và Iran đã tạo ra một sự hội tụ an ninh lớn để đáp ứng các mối đe dọa chung và tạo ra các chiến lược thích ứng để thay đổi trật tự do Mỹ lãnh đạo. Đây là một vấn đề mà Nga hiếm khi chia sẻ với các cường quốc Trung Đông khác.
Đáng lo ngại nhất, một cuộc tấn công do Mỹ khởi xướng nhằm vào Iran sẽ mở đường cho cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn đầu giành lại sự thống trị ở Trung Đông, cung cấp cho Washington đòn bẩy lớn.
Tất cả những điều này đã cho thấy Moscow có liên quan mật thiết đến cuộc đối đầu quân sự tiềm năng giữa Iran và Mỹ.
Mặc dù Moscow có thể thu lợi về tài chính từ một Iran bị cô lập về chính trị và suy yếu về khả năng cạnh tranh về kinh tế, nhưng sự sụp đổ về địa chính trị từ sự thay đổi chính quyền ở Tehran sẽ vượt xa đáng kể lợi ích kinh tế tiềm năng mà Moscow có được, hai chuyên gia của RIAC nêu quan điểm.
Nga sẽ không thể giữ sự trung lập một khi xung đột Mỹ-Iran nổ ra?
Đặc biệt, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tehran và Washington có thể mang lại sự hiện diện quân sự lớn cho Mỹ và là một thách thức địa chính trị đe dọa đến lợi ích của Nga ở Trung Đông.
Do đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Nga quyết định thực hiện một bước đi vượt ra ngoài khuôn khổ hỗ trợ ngoại giao đơn thuần để bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông, bao gồm cả việc hỗ trợ quân sự cho Iran.
Hơn nữa, mục tiêu toàn cầu mà Nga đang hành động ngày nay đòi hỏi Moscow phải đưa ra phản ứng thích hợp đối với bất kỳ chính sách cấp tiến nào của Mỹ đối với Iran.
Một trong những khát vọng chính của Tổng thống Vladimir Putin trong chính sách đối ngoại là khẳng định Nga như một siêu cường được công nhận trên toàn cầu.
Để đạt được điều đó, Moscow phải chứng minh mức độ ảnh hưởng mà mình có được trên toàn cầu, đặc biệt là khi một cuộc khủng hoảng an ninh quốc tế lớn đang được đặt ra.
Việc không thể hiện mức độ đáng kể nào liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Nga và làm suy yếu vị thế của Nga như một siêu cường.
Trong thời gian căng thẳng vừa qua, Tổng thống Putin gửi thông điệp rõ ràng về việc Iran không nên kỳ vọng quá nhiều vào sự giúp đỡ tiềm năng của Nga. Tuy nhiên, giới phân tích suy đoán rằng, phản ứng của Moscow một khi cuộc xung đột toàn diện giữa Iran và Mỹ xảy ra có thể sẽ rất khác.
Nga làm thế nào?
Một sự tham gia trực tiếp của Nga vào cuộc xung đột Mỹ-Iran được cho là rất khó khả thi.
Tuy nhiên, Moscow có thể thực hiện các bước thận trọng nhất định để tăng cường năng lực răn đe của Iran. Mặc dù Moscow sẽ không thay đổi chính sách không cung cấp vũ khí tấn công của Tehran, nhưng Nga có thể tăng cường khả năng phòng thủ cho đối tác.
Lựa chọn đầu tiên của Moscow trong việc đối phó với sự leo thang giữa Iran và Mỹ là củng cố năng lực phòng không của Iran để trấn áp ưu thế trên không của Mỹ.
Sự tham gia của Nga ở chiến trường Syria đã chứng minh rằng Điện Kremlin hoàn toàn tự tin về việc sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến để thay đổi cán cân lực lượng trong các trận chiến đang diễn ra.
Quyết định của Moscow trong việc cung cấp cho quân đội Syria hệ thống phòng không S-300 giữa lúc các cuộc không kích của Israel diễn ra là một ví dụ rõ ràng cho điều đó. Nó cho thấy sự sẵn sàng của Nga trong việc điều chỉnh cán cân quân sự thông qua việc cung cấp vũ khí.
Do đó, Nga có thể tùy chọn cải thiện khả năng phòng thủ của Iran thông qua việc cung cấp các vũ khí tiên tiến hơn nếu cần thiết. Việc cung cấp S-400 hoặc các hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất bao gồm cả Borisoglebsk-2 và Krasnoyukha-4S có thể là một phần trong phản ứng của Nga.
Một trong những cách thức phản ứng khác của Nga có thể là triển khai các tài sản quân sự của mình tới Iran. Nga gần đây đã chứng minh rằng họ đã sẵn sàng triển khai các đơn vị quân đội hạn chế đến các quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng nhằm chống lại các mối đe dọa với lợi ích của mình.
Trường hợp đưa Tu-160 và triển khai nhóm 100 nhân viên quân sự tới giúp đỡ Tổng thống Maduro ở Venezuela là một ví dụ mới nhất. Về phần mình, Tehran cũng có khả năng hỗ trợ quân đội Nga đóng quân trên lãnh thổ một cách tương tự.
Cuối cùng, Nga có thể cung cấp cho Iran thông tin tình báo hoạt động trước hoặc trong khi nổ ra chiến tranh với Mỹ
Moscow rõ ràng không có ý định bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự giữa Iran và Mỹ và do đó sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để giảm thiểu rủi ro trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc không hoạt động hoặc giới hạn sự hỗ trợ của mình bằng sự giúp đỡ ngoại giao đơn thuần.
Ngược lại, Moscow không mong muốn một sự thay đổi quyền lực lớn ở Trung Đông có lợi cho Mỹ. Do đó, ngược lại với những gì chính quyền Mỹ mong muốn, không có khả năng Moscow sẽ có lập trường hoàn toàn trung lập về cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Nga vẫn duy trì khá nhiều lựa chọn trong tay áo của mình để tác động đến sự cân bằng quân sự giữa Iran và Mỹ.
Moscow không phải là một quốc gia làm thay đổi cuộc chơi, hoặc nhất thiết có khả năng xoay chuyển tình thế trong chiến tranh, nhưng người Nga chắc chắn có thể tạo ra những trở ngại khá lớn cho những nỗ lực của Washington.
Những lựa chọn này làm cho cuộc phiêu lưu của Mỹ ở Iran phức tạp hơn so với những gì chính quyền Tổng thống Donald Trump tính đến, hai chuyên gia của RIAC kết luận.