Theo nhà bình luận Tom Rogan trên tờ Washington Examiner, Mỹ nên hỗ trợ quân sự và ngoại giao một cách thiết thực cho Ukraine. Tuy nhiên, sẽ là một lựa chọn "khờ dại" nếu Hải quân Mỹ thách thức sự kiểm soát của Nga đối với lối vào biển Azov.
Trước đó, khi được hỏi Hải quân Ukraine nên đáp trả thế nào sau vụ đụng độ với lực lượng Nga hôm 25/11 vừa qua, chuyên gia Anders Åslund, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương và một số chuyên gia khác cho rằng Mỹ-NATO nên điều hải quân tới khu vực này.
Song, nhà bình luận Tom Rogan nhận định đây là một ý tưởng rất tồi tệ. Đầu tiên, điều đó sẽ đẩy Nga và "tinh thần dân tộc cực đoan" vào chân tường, dẫn tới những phản ứng quá khích.
Mặc dù phần lớn vùng biển Azov do Ukraine sở hữu (theo phân định của luật pháp quốc tế) nhưng Tổng thống Putin và nhiều người Nga có cách nhìn nhận rất khác về điều này.
Cây cầu do Nga xây dựng bắc ngang qua eo biển Kerch - vùng nối giữa Biển Đen với biển Azov. Ảnh: Irish Times
Sau khi sáp nhập Crimea và xây dựng cây cầu bắc ngang qua eo biển Kerch nối giữa lục địa Nga và Crimea - nỗ lực của Moscow nhằm chính thức hóa tuyên bố về quyền sở hữu của Nga đối với bán đảo này – Nga dường như xem biển Azov như một vùng trung tâm của họ.
Theo ông Rogan, nếu Mỹ tranh giành quyền kiểm soát biển Azov với Nga thì đối với Moscow, điều đó không khác gì Mỹ đang muốn giành quyền kiểm soát đảo Kronstadt ở St. Petersburg.
Trong khi đó, một hành động chiến tranh sẽ đòi hỏi một sự đáp trả tương xứng. "Nếu Mỹ điều quân tới biển Azov thì chúng ta tốt hơn cả nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga. Liệu chúng ta có muốn điều đó không?" – ông Rogan viết.
Thứ hai, còn có một thách thức khác rất lớn ở đây.
Bộ chỉ huy quân sự miền nam của Nga nằm ngay phía đông bắc biển Azov. Điều đó có nghĩa các hệ thống pháo và tên lửa của Nga có thể giội bão lửa xuống bất cứ tàu chiến nào của Mỹ đi vào vùng biển này.
Quân khu miền Nam của Nga có tổng hành dinh tại Rostov-on-Don, ngay phía đông bắc biển Azov. Ảnh: Wiki
Tiếp đó còn có Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Sevastopol, Crimea. Ngoài các khinh hạm tên lửa, Hạm đội Biển Đen còn có ít nhất 5 tàu ngầm tấn công (dù không rõ bao nhiêu chiếc sẵn sàng hoạt động).
Cuối cùng, có thể "cá" rằng các tiêm kích-bom của Nga sẽ ném bom ồ ạt xuống biển Azov để tấn công các tàu chiến Mỹ. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Ngay cả khi Mỹ sẵn lòng chấp nhận hàng nghìn thương vong và những chiếc tàu chiến vỡ nát sau chiến dịch này thì họ thực sự định kiểm soát eo biển Crimea như thế nào?
"Liệu chúng ta có hồi tưởng lại cuộc chiến tranh Crimea thế kỷ 19 bằng cách tiến hành đổ bộ đường biển lên Sevastopol hay không? Tôi cho là không", ông Rogan viết, "Đơn giản, vì rõ ràng rằng Mỹ không hề có lợi khi tiến hành các chiến dịch quân sự giành quyền kiểm soát biển Azov".
Các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen.
Tất nhiên, theo vị chuyên gia, Ukraine có "quyền chiến đấu giành lại từng tấc đất của mình và sẽ nhận được sự hỗ trợ về cả tinh thần, lẫn vật chất khi làm điều đó". Tuy nhiên, khi xét tới lợi ích chiến lược của Mỹ thì trong trường hợp này, Nga không hề chiếm giữ lãnh thổ của một thành viên nào trong NATO.
Nếu tình huống trên xảy ra với các nước Baltic, Mỹ hẳn sẽ phải bước chân vào một cuộc chiến. Còn tại đây, Washington nên nhìn nhận những hạn chế về lợi ích, cũng như năng lực của mình và trong bối cảnh này, theo ông Rogan, họ tốt hơn cả nên áp đặt các áp lực ngoại giao-kinh tế đối với Nga.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà bình luận Tom Rogan
Số vũ khí Nga thu được trên 3 tàu Hải quân Ukraine bị bắt sống - Pоссия 24