Reuters ngày 18-1 dẫn nguồn tin chính phủ Đức giấu tên cho biết Thủ tướng Olaf Scholz đã nhiều lần nhấn mạnh điều kiện về xe tăng Mỹ trong những ngày gần đây sau cánh cửa đóng kín.
Theo đó, Đức sẽ cho phép gửi xe tăng do nước này sản xuất tới Ukraine nếu Mỹ cũng đồng ý gửi xe tăng của chính họ.
Berlin có quyền phủ quyết bất kỳ quyết định xuất khẩu xe tăng Leopard nào của mình. Loại xe tăng này do quân đội các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai trên khắp châu Âu, được các chuyên gia quốc phòng xem là phù hợp nhất với Ukraine.
Khi được hỏi về quyết định của Đức, Karine Jean-Pierre, người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói: "Tổng thống tin rằng mỗi quốc gia nên đưa ra quyết định của riêng mình về các bước hỗ trợ an ninh và loại thiết bị nào họ có thể cung cấp cho Ukraine".
Hàng ngàn người Ukraine đã tới Đức để tránh xung đột. Ảnh: DPA
Mỹ và phương Tây vẫn chưa gửi những vũ khí mạnh nhất hiện có cho Ukraine. Giới chức Washington tiết lộ Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt việc gửi xe bọc thép Stryker cho Ukraine nhưng chưa sẵn sàng gửi xe tăng của Mỹ, bao gồm M1 Abrams.
Ngoài ra, báo cáo của The Wall Street Journal cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất với tầm bắn khoảng 160 km và có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).
Tuần này, Anh gia tăng áp lực lên Đức bằng cách trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên gửi xe tăng cho Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng nhấn mạnh điều quan trọng là cung cấp xe tăng và tên lửa hiện đại cho Ukraine vì ông lo rằng Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới. Ba Lan và Phần Lan tuyên bố sẽ gửi xe tăng Leopard cho Ukraine nếu Đức chấp thuận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang lên kế hoạch triệu tập cuộc họp gồm khoảng 50 quốc gia tại căn cứ quân sự Ramstein - Đức vào ngày 20-1. Tất cả 30 thành viên của NATO sẽ tham dự.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết mục đích của cuộc họp là thảo luận việc cung cấp vũ khí tiên tiến, hiện đại hơn cho Ukraine.