Ông Gabriel đã nói như vậy khi lên đường sang Nga để đàm phán về thương mại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi đang làm những gì có thể để các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea có thể được dỡ bỏ dần từng bước khi có những tiến bộ cụ thể trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk", ông Gabriel cho biết.
"Nếu điều đó thành công, chúng ta có thể bắt đầu cải thiện quan hệ và điều này sẽ giúp cho cả hai”, Bộ trưởng Kinh tế Gabriel phát biểu đồng thời nói thêm rằng mối quan hệ kinh tế Đức-Nga có tiềm năng rất lớn. Thương mại song phương giữa hai nước đã giảm 13,7% trong nửa đầu năm nay.
Vào đầu cuộc họp với Bộ trưởng Kinh tế Đức ở thủ đô Moscow, Tổng thống Putin thừa nhận, quan hệ thương mại giữa Nga và Đức đang ở thời điểm rất đáng thất vọng.
"Không may là thương mại hai chiều đang sụt giảm mạnh. Năm ngoái, thương mại Nga - Đức giảm đến 40%, trong nửa đầu năm nay, mức giảm là 35%. Chúng tôi đang có một số nỗ lực – bạn biết đấy, cả hai phía đều đang cố gắng”, ông Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga cũng thêm rằng, Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, vẫn là một trong những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Nga.
Về phần mình, ông Gabriel nói rằng, các công ty của Nga và Đức rất quan tâm đến việc tăng cường sự hợp tác giữa hai bên.
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý.
Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.
Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng.
Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine.
Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh Châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
Quan hệ Nga - Đức xấu đi ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Nền kinh tế Nga thời gian qua đã lao đao vì những đòn trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Đức cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Đức là nước được cho là phải hứng đòn đau nhất do hậu quả “gậy ông đập lưng ông” gây ra từ chính sách đối đầu, trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, gần đây, Đức có nhiều dấu hiệu cho thấy, nước này bắt đầu muốn làm lành với Nga. Đã có không ít nhà lãnh đạo cấp cao, chính khách, giới chuyên gia và doanh nhân lên tiếng đòi chính quyền Đức phải từ bỏ chính sách trừng phạt Nga.