Tuy nhiên các chuyên gia quốc phòng đã kêu gọi Berlin nên xem xét thế hệ máy bay chiến đấu mới F-35.
Ưu tiên hàng đầu là khả năng hạt nhân
Phát biểu với tờ Süddeutsche Zeitung ngày 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết, bà ủng hộ việc mua chiến đấu cơ đa nhiệm Eurofighter do châu Âu sản xuất và tiêm kích đa nhiệm F-18 của Mỹ để thay thế phi đội Tornado.
Tạp chí Der Spiegel gần đây trích dẫn một báo cáo của kiểm toán viên liên bang Đức mô tả Tornado – ra đời từ những năm 1970 là "hệ thống vũ khí lỗi thời, ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn do gặp nhiều vấn đề kỹ thuật và thiếu tính khả dụng".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Arne Collatz-Johannsen cho biết, việc vận hành loại máy bay chiến đấu này sẽ "không có lợi về kinh tế" vào năm 2030 và cần phải tìm chiến đấu cơ thay thế.
Thông báo được đưa ra khi Ủy ban quốc phòng của Bundestag (Quốc hội Đức) tranh luận về cách thức xử lý phi đội máy bay già cỗi Tornado. Bộ Quốc phòng Đức ước tính, việc sửa chữa và hiện đại hóa phi đội này có thể tiêu tốn hàng tỷ euro.
Tuy nhiên, việc mua mới 93 chiếc Eurofighter và 45 chiếc F-18 cũng đắt đỏ không kém. Mặc dù việc mua lại Eurofighter do Airbus sản xuất sẽ giúp Đức có vị trí chiến lược lớn hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu nhưng chúng không sở hữu khả năng chia sẻ hạt nhân. Vì thế F-18 có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Theo quy định của NATO, các đồng minh trong khối có quyền tiếp cận vũ khí hạt nhân của Mỹ như một phần của chiến lược răn đe hạt nhân của liên minh. Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ năm 2019, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer cho biết, sự lựa chọn của Đức đối với ứng viên thay thế Tornado sẽ phải đảm bảo tính liên tục của chính sách này.
"Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra quyết định nhanh nhất có thể vào năm 2020, vì không còn khoảng thời gian nào hợp lý hơn để thay thế phi đội Tornado", bà Kramp-Karrenbauer cho biết hồi tháng 9/2019.
Chiến đấu cơ đa nhiệm Eurofighter. Ảnh: The defense post.
Những chiếc F-18 sẽ đáp ứng thỏa thuận chia sẻ hạt nhân cho đến năm 2040, sau đó một loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ sáu của Dự án Hệ thống không quân chiến đấu tương lai (FCAS) có thể sẽ thay thế chúng.
FCAS là một chương trình châu Âu do Đức và Pháp dẫn đầu để đại tu và chuẩn hóa phòng không trên lục địa. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn để thống nhất sức mạnh quân sự của Liên minh Châu Âu (EU) và giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ.
Dự án không chỉ là máy bay chiến đấu mà bao gồm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Nó được cho là lý do chính giải thích tại sao Đức không tiếp cận chương trình F-15 của Mỹ.
Kế hoạch gây nhiều tranh cãi
Đức rất muốn cân bằng trong quan hệ liên minh giữa châu Âu và Mỹ thông qua kế hoạch mua máy bay quân sự của nước này, tuy nhiên, không phải đảng phái cũng ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Kramp-Karrenbau.
Đảng Dân chủ Xã hội, đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel, được cho là mâu thuẫn với ý tưởng mua tiêm kích F-18 do Boeing sản xuất.
Một số chính trị gia khác thì cho rằng kế hoạch nói trên thiếu minh bạch. Phát biểu với tờ Sueddeutsche Zeitung, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, ông Wolfgang Hellmich cho biết: “Chúng tôi không thấy có điều gì minh bạch ở đây. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì”.
Trong khi đó, các chuyên gia quốc phòng đã kêu gọi Berlin xem xét lại việc mua máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới, cho rằng, loại khí tài này sẽ giúp tăng cường năng lụcc của khả năng của quân đội Đức trong tương lai và giúp Đức thực hiện tốt điều khoản phòng vệ tập thể của NATO.
"Chính phủ liên bang Đức có trách nhiệm cung cấp cho các phi công của mình, những người có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt nguy hiểm, loại máy bay chiến đấu phù hợp nhất, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, F-35 nên được đưa vào phân tích so sánh và đánh giá”, bản tóm tắt chính sách của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) nêu rõ.
Những chiếc F-18 đã hoạt động trên bầu trời kể từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. F-18 lần đầu tham chiến vào năm 1986.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức Arne Collatz-Johannsen cho biết, quyết định chính thức về kế hoạch mua sắm sẽ được gửi tới Ủy ban quốc phòng của Quốc hội. Ít hơn 1/3 số lượng máy bay chiến đấu mua mới sẽ là sản phẩm của Mỹ, còn phần lớn sẽ là sản phẩm của châu Âu.
Giải pháp cân bằng giữa các đồng minh ở cả 2 bờ Đại Tây Dương được Bộ Quốc phòng Đức coi là quan trọng vì sau khi Tornado nghỉ hưu, Đức vẫn phải duy trì vũ khí có khả năng hạt nhân của Mỹ theo cam kết đối với NATO.