Nga đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. (Ảnh: Izvestia)
Theo đó, thông tin này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn Gazprom của Nga quyết định giảm nguồn cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) gần đây do hãng thiết bị công nghiệp Siemens không thể trả lại các đơn vị bơm khí sau khi sửa chữa ở Canada do lệnh trừng phạt chống Nga.
Theo Der Spiegel, chính phủ Đức đang cố gắng đàm phán với Ottawa để tháo gỡ vướng mắc. Theo các chuyên gia được Izvestia phỏng vấn, bất chấp tình hình địa chính trị, Berlin sẽ buộc phải tiếp tục thương lượng với Moscow trong lĩnh vực năng lượng do nguy cơ sụp đổ kinh tế.
Chế độ tiết kiệm năng lượng
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, tình hình ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn và các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Nga, giá điện lại một lần nữa phá kỷ lục. Theo sàn giao dịch ICE ngày 15/6, giá khí đốt lúc mở cửa giao dịch lần đầu tiên kể từ ngày 13/5 vượt 1.100 USD/1.000 m3.
Mức tăng gần 8% xảy ra trong bối cảnh Gazprom tuyên bố cắt giảm 40% nguồn cung qua đường ống dẫn khí Nord Stream do các hạn chế tại trạm nén Portovaya ở Vyborg, gần St.Petersburg, Nga. Rắc rối nảy sinh do Siemens không thể trả lại các đơn vị bơm khí sau khi sửa chữa ở Canada - nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt chống Nga của Ottawa.
Vào ngày 15/6, Gazprom thông báo rằng họ đang dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí khác của Siemens tại Portovaya CS. Như vậy, kể từ ngày 16/6, lượng bơm sẽ giảm xuống còn 67 triệu m3/ngày, tức là 60% công suất đường ống dẫn khí đốt sẽ không được sử dụng.
Tờ Der Spiegel đưa tin, chính phủ Đức đang đàm phán với Ottawa và Liên minh châu Âu (EU) vì tình hình hiện tại. Ấn phẩm lưu ý rằng, Berlin đang cố gắng đạt được mục tiêu giao một tuabin bị mắc kẹt ở Canada để tiếp tục vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream. Đồng thời, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức (BMWK) cũng không bác bỏ thông tin này.
“Chúng tôi không thể trực tiếp xác nhận thông tin của Der Spiegel. Tuy nhiên, tôi có thể báo cáo Berlin đang liên hệ với chính phủ Canada về việc cung cấp tuabin khí Siemens. Chúng tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết”, bà Susanne Ungard, người phát ngôn của BMWK nói với Izvestia.
Trước đó, trong bối cảnh của các sự kiện ở Ukraine, Đức đã quyết định từ bỏ các nguồn năng lượng của Nga. BMWK dự đoán, vào mùa hè năm 2024, nước này sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habek hôm 10/6 cho biết, “mùa thu và mùa đông ở Đức sẽ khó khăn về mặt năng lượng”.
Cùng ngày, BMWK thông báo khởi động chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc với hơn 80 triệu người cùng thay đổi năng lượng. Theo đó, chính phủ Đức tin tưởng, 83 triệu dân sẽ giúp sống sót qua cuộc khủng hoảng năng lượng với việc tiết kiệm.
Ông Habeck cho biết: “Người dân tiết kiệm năng lượng sẽ giúp Đức bớt phụ thuộc vào Nga và làm tốt việc bảo vệ khí hậu”.
BMWK thậm chí còn làm gương cho người dân bằng cách tắt điều hòa nhiệt độ trong một số phòng và từ chối chiếu sáng mặt tiền các tòa nhà.
Theo một cuộc khảo sát ngày 10/6 của Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW) chỉ có 19% số người được hỏi không thay đổi mức tiêu thụ năng lượng theo bất kỳ cách nào, số còn lại đang học cách tiết kiệm.
Việc giao khí đốt Nga qua đường ống Nord Stream ngưng trệ sau khi Siemens không đưa thiết bị trở lại các cơ sở đúng hạn. (Ảnh: Izvestia) |
Tuy nhiên, khi các bước đi của giới lãnh đạo Đức trong những ngày gần đây cho thấy, Berlin không sẵn sàng từ bỏ khí đốt của Nga lúc này. Bất chấp những lời lẽ cứng rắn chống Nga do các hành động ở Ukraine, thì Berlin đang cố gắng giữ nguồn cung khí đốt của Nga.
Sự thật là gì?
Bà Susanne Ungard nói với Izvestia, Berlin đang theo dõi và nghiên cứu tình hình. Theo bà Ungard, hiện công tác an ninh nguồn năng lượng vẫn được đảm bảo.
Đồng thời, các chính trị gia và chuyên gia Đức cho rằng, Berlin khó có thể tìm được nguồn thay thế hoàn toàn cho khí đốt của Nga trong ngắn hạn.
Theo ông Gunnar Beck, đại biểu nghị viện châu Âu, nếu chính phủ Đức gây áp lực chính trị cần thiết, họ sẽ được ngoại lệ và các lệnh trừng phạt ngăn cản việc cung cấp các tuabin của Siemens sẽ được dỡ bỏ.
“Đây hoàn toàn là một vấn đề chính trị, vì các quốc gia lớn của EU luôn có thể bảo vệ lợi ích. Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ liên minh có nhất trí với ý kiến này hay không, bởi vì đảng Xanh muốn tẩy chay năng lượng toàn diện đối với Nga. Ngược lại, Thủ tướng Olaf Scholz thích thỏa hiệp”, ông Beck cho biết trong một cuộc trò chuyện với Izvestia.
Theo ông Beck, Đức chắc chắn sẽ không thể làm gì nếu không có khí đốt của Nga trong trung hạn. “Thứ nhất, có khả năng Đức có thể nhận đủ nguồn cung từ các nhà cung cấp khác trong một thời gian ngắn. Thứ hai, hàng nhập khẩu từ các nước khác sẽ đắt hơn đáng kể. Vì vậy, Nord Stream là cần thiết để nhập khẩu khí đốt giá rẻ với số lượng đủ lớn”, chính trị gia này nói thêm.
Tuy nhiên, ông Jan Nolte, nghị sĩ Đức thuộc Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) nói với Izvestia rằng ông đang tính đến việc giải quyết các vấn đề xung quanh Nord Stream.
“Ngay cả khi các bình chứa xăng đã khá đầy vào thời điểm hiện tại, 55% là không đủ cho mùa đông. Chúng tôi cần ít nhất 90%. Tôi tin rằng không chỉ ở Đức, mà còn ở các nước phương Tây khác, mọi người đang dần nhận ra điều này. Đức sẽ tiếp tục cần khí đốt của Nga trong tương lai”, ông Nolte nhận định.