Bộ trưởng Christine Lambrecht. Ảnh: AP
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 9/4, Bộ trưởng Lambrecht cho biết “tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột này”, nhưng “nguồn cung từ kho dự trữ của Bundeswehr (quân đội Đức - PV) đã đến giới hạn”, trong khi quân đội Đức vẫn phải đảm bảo khả năng phòng thủ của nước này.
“Dù vậy, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể làm gì cho Ukraine”, bà Lambrecht nhấn mạnh, đồng thời gợi ý rằng Kiev có thể trực tiếp mua những thiết bị cần thiết từ các nhà sản xuất Đức. Nữ bộ trưởng chỉ ra rằng Chính phủ Đức vẫn “liên tục phối hợp” với cơ quan chức năng ở Kiev để tạo điều kiện cho việc mua bán này.
Khi được hỏi chính xác loại vũ khí nào đang được xem xét giao cho Kiev, bà Lambrecht đã từ chối tiết lộ thông tin chi tiết và chỉ nói rằng “có những lý do chính đáng khiến chúng tôi phải xếp thông tin này vào dạng mật”. Bộ trưởng cũng tiết lộ rằng chính Ukraine đã “dứt khoát” yêu cầu Đức không tiết lộ chi tiết cụ thể.
“Luôn cần ghi nhớ rằng vào thời điểm thông tin lô hàng được công bố, phía Nga cũng sẽ nắm được những thông tin này. Việc đó có ảnh hưởng đến chiến lược quân sự.”
Cũng theo bà Lambrecht, có một mối lo ngại ở Đức rằng việc cung cấp vũ khí có thể gây ra phản ứng của Mátxcơva, từ đó “chiến tranh có thể mở rộng sang các khu vực khác”. Đó là lý do vì sao “chúng tôi phải hành động thận trọng với một cái đầu lạnh trong những thời điểm khó khăn này”.
Bộ trưởng Lambrecht thừa nhận rằng quân đội Đức “chưa được trang bị đủ mức cần thiết”, và bà quyết tâm thay đổi điều này, vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một lời cảnh tỉnh cho Berlin.
Bình luận về vấn đề phòng thủ châu Âu, bà Lambrecht chỉ ra tầm quan trọng của các nhóm chiến đấu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và cho biết thêm rằng quân đội Đức đã đóng góp rất nhiều vào các sáng kiến của liên minh.
Không giống Mỹ và Anh, Đức từ đầu đã phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ Ukraine và các đồng minh NATO của Đức, Berlin đã thay đổi quyết định và cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa phòng không di động từ kho dự trữ của mình cho Ukraine. Kế hoạch cung cấp thêm các loại vũ khí cùng loại đã được công bố hồi cuối tháng 3.
Kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước NATO và đồng minh đã hạn chế can dự trực tiếp vào cuộc xung đột nhưng vẫn cung cấp vũ khí, đạn dược và nhiên liệu cho Ukraine.
Mátxcơva từng nhiều lần nói rằng các nguồn cung của phương Tây sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài, đồng thời cảnh báo quân đội Nga có thể nhắm mục tiêu vào những chuyến hàng này.