Nhân vật Miller từng đứng đầu Văn phòng Chống khủng bố Quốc gia (Mỹ) và chương trình “chiến dịch đặc biệt” của Lầu Năm Góc.
Nhiều hãng truyền thông Mỹ bao gồm tờ New York Times giật những dòng tít lớn như “Trump sa thải Esper - vị bộ trưởng quốc phòng phản đối sử dụng quân đội trên đường phố”.
Đúng là có việc ông Esper phản đối sử dụng quân đội để trấn áp người biểu tình. Nhưng động cơ thật của việc sa thải đó nhiều khả năng là ông Trump nhắm tới các đối thủ nước ngoài như Iran. Ở đây ông Esper cũng phản đối chiến tranh với Iran.
Hồi đầu tháng 1/2020, Bộ trưởng Esper nói với truyền thông như sau: “Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran... Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao”. Hơn thế nữa, ông Esper còn công khai phản đối tuyên bố của ông Trump cho rằng Tướng Iran Soleimani (bị Mỹ ám sát) đang âm mưu tấn công 4 đại sứ quán Mỹ trên thế giới.
Khi tổng thống Mỹ đe dọa xóa sạch các trung tâm văn hóa của Iran, ông Esper cũng đối lập với ông Trump bằng cách tuyên bố thẳng thừng rằng Lầu Năm Góc không có kế hoạch đánh bom như vậy.
Với việc Esper ra đi và bị thay thế bằng một quyền bộ trưởng quốc phòng mới trong những tháng còn lại ít ỏi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, sân khấu chính trị có thể dành cho một cuộc chiến tranh Mỹ-Iran trong bối cảnh có những tin tức từ Bộ Ngoại giao Mỹ về kế hoạch áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt mới lên Iran trong những ngày tới đây.
Chính quyền Trump sắp mãn nhiệm có thể đang trong quá trình chuẩn bị “cú đấm liên hoàn bằng tay trái rồi tay phải”.
Cụ thể sau loạt trừng phạt mới lên Iran, sẽ xuất hiện những “sự kiện gây hấn” như các hành vi khủng bố chống lại Mỹ và được quy cho Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và những nơi khác. Hai yếu tố này hội tụ lại sẽ đủ cho việc mở một cuộc chiến tranh tổng lực để đáp trả.
Kịch bản kéo dài nhiệm kỳ bằng cách trở thành “tổng thống thời chiến”
Trong bối cảnh đó, một số người dự báo “điều bất ngờ tháng Mười” của ông Trump thực sự đã được trì hoãn lại cho xử lý hiện thực bầu cử Mỹ vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ. Với điều bất ngờ này, tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm sẽ nỗ lực áp dụng các biện pháp pháp lý để lật lại “chiến thắng” của ứng viên Biden trong bầu cử vừa qua, và nỗ lực giành thêm một nhiệm kỳ nữa tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ có ít bằng chứng về gian lận phiếu bầu và hầu hết giới phê bình Mỹ đều nhất trí rằng có ít hoặc không có cơ hội các tòa án Mỹ can thiệp để thay đổi kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.
Nhưng bàn tay của Tổng thống Trump có thể mạnh lên nếu Mỹ đột ngột ở vào trạng thái chiến tranh trong các tuần tới, tạo ra một tình huống khẩn cấp mà ông Trump có thể tận dụng theo hướng có lợi cho bản thân với tư cách một “tổng thống thời chiến” và do đó sẽ tránh được việc bị đẩy khỏi Nhà Trắng.
Chính bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ (thuộc phe Dân chủ), đã cảnh báo rằng quyết định đáng lo ngại của ông Trump đột ngột cách chức Bộ trưởng Esper và thay ông này không phải bằng viên phó của ông ta mà bằng một nhân vật diều hâu đến từ đơn vị khác có khả năng làm đứt gãy quá trình “chuyển giao quyền lực” cho ứng viên tổng thống Biden.
Phía Israel cũng lo ngại một triển vọng hòa hoãn với Iran dưới thời tân chính quyền Biden nên trong kịch bản chiến tranh nói trên, giới quan sát đưa ra khả năng Israel sẽ phối hợp bằng cách giả vờ tấn công lực lượng Mỹ ở gần Iran, để tạo cớ cho Mỹ trả đũa quân sự hàng loạt, bao gồm một cuộc tấn công dữ dội vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Thực tế thì một số quan chức Israel trong các ngày qua đã cảnh báo trên truyền thông rằng nếu Biden đắc cử tổng thống Mỹ thì điều đó có nghĩa là sẽ có một cuộc chiến tranh với Iran.
Nếu kịch bản trên nổ ra thì giới chức Saudi Arabia vốn cũng lo ngại về cách tiếp cận hòa giải của Mỹ với Iran dưới thời Biden cũng có thể sẽ ra tay hỗ trợ cho phương án chiến tranh đó.
Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani đã phản ứng với chiến thắng của ông Biden bằng việc gửi đi một thông điệp mang tính hòa giải nhấn mạnh quyết tâm của Iran hướng tới một quan hệ xây dựng với cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi Mỹ tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế bằng việc trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Trump đã chủ động từ bỏ.
Ứng viên Biden đã dự báo rằng “kỷ nguyên xám xịt của việc biến Iran thành ác quỷ” sẽ chấm dứt vào ngày 20/1 (năm tới) cùng với việc ông này nhậm chức tổng thống Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc đảo lộn các chính sách đối đầu Iran đã thành thương hiệu của Tổng thống Trump, khiến ông Trump phải ra tay cản trở các kế hoạch của ông Biden.
Còn có các dấu hiệu khác cho kịch bản vũ lực nói trên dễ xảy ra.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell đã quyết định hậu thuẫn cho lời tố cáo của ông Trump về gian lận bầu cử có hệ thống, và như vậy giúp ông Trump thêm một sự ủng hộ lớn trong cuộc chiến khốc liệt bác bỏ kết quả bầu cử Mỹ vừa qua.
McConnel và những người khác trung thành với ông Trump trong và ngoài chính quyền Mỹ có khả năng sẽ rầm rộ ủng hộ ông Trump nếu nổ ra xung đột với Iran./.