Mobihome không phải là một trào lưu mới mẻ trên thế giới. Hình ảnh cả gia đình rong ruổi khắp các cung đường trên chiếc xe kiêm nhà di động vẫn thường xuyên xuất hiện trong phim ảnh hay sách truyện nước ngoài. Nó được coi là hình thức du lịch tự do nhất đối với những tín đồ yêu du lịch.
Tại Việt Nam, trào lưu mobihome mới chỉ manh nha xuất hiện trong khoảng vài năm gần đây, nhưng đã nhanh chóng nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng. Hàng loạt hội nhóm như UAZ 452, Mobihome Việt Nam, Hội Xe Mobihome & Camping Car Việt Nam... mọc lên, trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm mua bán xe, hướng dẫn cải tạo xe và gợi ý về hành trình đi lại.
Du lịch bằng mobihome có gì hấp dẫn đến vậy?
Mobihome là một ngôi nhà di động được cải tạo từ xe ô tô, chủ yếu nhằm phục vụ các chuyến du lịch tự túc. Người ta sẽ cải tạo lại những chiếc xe tải van hoặc xe bus cũ, trang bị thêm các vật dụng sinh hoạt thiết yếu như giường ngủ, ghế sofa, bếp nấu, TV... không khác gì một căn nhà thực thụ.
Ở nước ngoài, mobihome thường là giải pháp tạm thời cho các gia đình chưa đủ tiền mua nhà đất. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam lại sử dụng mobihome để phục vụ du lịch là chính. Vì vậy, ngoại thất xe được họ chăm chút khá kỹ lưỡng, sơn vẽ bằng nhiều màu sắc bắt mắt để tạo hứng thú xê dịch.
Cách đây 3 năm, anh Huỳnh Lý Hùng (Tiền Giang) mua chiếc Suzuki Wagon R với giá 90 triệu đồng, rồi trang bị thêm giường, tủ và vòi tắm hoa sen. Anh nghĩ mobihome sẽ giúp gia đình du lịch thuận tiện hơn, đặc biệt là bảo vệ con nhỏ khỏi nắng mưa bất chợt.
"Thấy trên mạng, người ta hay độ chiếc xe này để đi cắm trại, nên quyết định làm luôn, để mình đi tới những cảnh mình thích, dừng lại chỗ đó, vừa cắm trại vừa có thể ngắm cảnh. Với tôi, như thế sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Vì tới một nơi nào đó, sau đó mình lại ở khách sạn thì phí lắm. Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp", anh chia sẻ.
Mobihome của anh Huỳnh Lý Hùng
Là tín đồ du lịch, nhưng từ sau khi sinh con, vợ chồng anh Doãn Nguyễn Duy Tân và chị Hà My (Đắk Lắk) không còn thời gian nghĩ về những chuyến đi mới, mà dành toàn bộ thời gian cho công việc và con cái. Chỉ đến khi hai người biết về mobihome, niềm đam mê đi phượt mới được nhen nhóm lại.
Có mobihome, đôi vợ chồng này đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, nhờ không phải thuê hay sạn và có thể tự nấu ăn trên xe. Chưa kể, cậu con trai Kin của hai người có thể cọ xát với thực tế cuộc sống, học hỏi từ trải nghiệm trong nhiều không gian sống đa dạng.
Chuyến hành trình xuyên Việt bằng mobihome của cặp vợ chồng Duy Tân - Hà My bắt đầu từ tháng 6/2020 (Ảnh: FBNV)
"Theo mình đây cũng chính là cơ hội để con rèn luyện tính độc lập, thích nghi nhanh với môi trường mới. Chắc chắn những kỷ niệm sẽ kéo dài theo thời gian và trở thành một phần ký ức đẹp đẽ để trẻ nhìn nhận thế giới", chị My chia sẻ.
Trước đây, anh Tâm làm nghề quay phim và sản xuất video. Nhưng kể từ lúc bắt đầu hành trình xuyên Việt trong không gian sống vỏn vẹn 6m2, anh lập hẳn kênh YouTube để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ này.
"Đây không chỉ là hình thức du lịch, mình coi việc đi du lịch và sống trên xe van là công việc mới cũng như cách sống bản thân muốn hướng tới. Mô hình này tích hợp tất cả sở thích, điều kiện làm việc của 2 vợ chồng", anh Tân cho biết.
Nội thất đầy đủ bên trong xe của gia đình anh Tân và chị My (Ảnh: FBNV)
Muôn trùng khó khăn khi du lịch bằng mobihome
Du lịch bằng mobihome đem lại cảm giác mới mẻ và tự do, nhưng cũng đòi hỏi không ít thời gian, công sức và tiền bạc mà chỉ những người thực sự đam mê mới theo đuổi nổi. Để một chiếc mobihome đi vào hoạt động, chủ xe phải tính toán kỹ lưỡng từ linh kiện đến nội thất, cải tạo sao cho phù hợp với nhu cầu.
Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, anh Hùng mang xe ra gara chuyên nghiệp nhờ "độ", nhưng vừa tốn kém vừa không đúng ý. Anh mất khoảng 5 - 6 tháng để tìm hiểu trên YouTube và nhờ người quen hỗ trợ, sau đó lại phải chờ thêm 1 năm để tự mình hoàn thiện mọi chi tiết trong xe.
Anh Hùng tốn rất nhiều thời gian để thiết kế bàn ghế, tủ đựng đồ... sao cho phù hợp với sở thích
Chị Ngô Thúy Hằng (TP.HCM) cũng gặp vô vàn khó khăn khi quyết định đi phượt cùng bạn bè bằng mobihome. Vì quá yêu thích Volkswagen Kombi, chị tìm mua nhưng không ai bán, do đây là dòng xe cổ hiếm có mà cả Việt Nam chỉ có 15 chiếc.
Đến lúc có xe như ý rồi, chị Hằng lại gặp phải tình huống "dở khóc dở cười": bị bên nội thất lừa, ôm tiền chạy trốn. Sau hàng loạt thử thách, cuối cùng người phụ nữ trẻ này cũng đã cải tạo xong chiếc xe với giá hơn 1 tỷ VNĐ. Thỉnh thoảng, đang đi trên đường, chiếc xe cổ bỗng dưng lăn ra hỏng, buộc chị phải đi sửa chữa hoặc gọi bạn bè tới giúp.
Ngồi trên nóc xe, chị Hằng có thể dễ dàng ngắm toàn cảnh trời đất (Ảnh: FBNV)
Nhiều chi tiết nội thất bên trong đều do chị Hằng và bạn bè lên ý tưởng (Ảnh: FBNV)
"Chiếc xe này để trải nghiệm hành trình chứ không phải để mau mau đến đích. Một chiếc xe mang biểu tượng của tinh thần tự do và truyền cảm hứng vô cùng tuyệt vời, như vậy đã đủ để yêu rồi", chị chia sẻ.
Chiếc xe trước (trái) và sau (phải) quá trình cải tạo (Ảnh: FBNV)
Trong khi đó, tài chính mới là vấn đề đau đầu nhất khi đi du lịch bằng mobihome đối với vợ chồng anh Tân - chị My. Sau khi bỏ ra 120 triệu VNĐ để mua chiếc xe cũ Ford Transit 2005 16 chỗ, cặp đôi này còn tiêu tốn gần 100 triệu VNĐ cho nội thất và linh kiện xe. Trừ những linh kiện phải mua từ nước ngoài, anh Tân tự tay hoàn thiện các vật dụng đơn giản khác như bàn ghế, tủ để đồ… để tiết kiệm chi phí.
Anh Tân tự mình cải tạo phần lớn chiếc xe nhằm tiết kiệm chi phí (Ảnh: FBNV)
Dĩ nhiên, sống trong mobihome khó có thể thoải mái như trong khách sạn. Một số loại xe nhỏ không đủ chỗ để làm phòng tắm hay nhà vệ sinh, chưa kể gia đình nào cũng cần một tay lái vững vàng.
Dù vậy, cảm giác choáng ngợp khi ngắm toàn cảnh thiên nhiên từ nóc xe, hay không khí yêu đời khi vừa lái xe vừa nghêu ngao hát hò, vẫn khiến nhiều tín đồ du lịch chọn mobihome làm hình thức di chuyển và sinh hoạt.
Những lưu ý khi theo đuổi trào lưu mobihome
Trước sự bùng nổ của trào lưu mobihome, nhiều người đặt câu hỏi rằng hình thức này liệu có vi phạm pháp luật?
Theo quy định, chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu xe so với thiết kế nguyên bản của nhà sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vậy nên, các chủ xe cần làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng trước khi có ý định cải tạo xe.
"Thực tế, Việt Nam còn bị hạn chế về việc thay đổi kết cấu, nên tôi làm theo hướng mọi thứ đều di động hết, để có thể tháo lắp nhanh gọn mà không động vào kết cấu của xe. Mình có thể gấp gọn chúng lại, đến nơi mình sẽ sắp đặt ra, mất khoảng 10 - 15 phút", anh Hùng chia sẻ.
Cũng có quan điểm tương tự, chị Hằng cho biết, việc chọn các dụng cụ gọn nhẹ chuyên dụng cho dân phượt sẽ giúp không gian bên trong không bị hẹp mà vẫn đảm bảo decor của xe. "Phần nước sạch, cấp thoát nước là tụi mình phải nghiên cứu rất kĩ cuối cùng thì cũng vô cùng ưng", chị cho biết.
Ngoài ra, mọi người nên chọn cải tạo loại xe tải thùng kín hoặc xe tải van để lắp đặt đủ các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt gia đình. Bất lợi duy nhất của các dòng xe này là chúng có niên hạn sử dụng. Nếu mua xe cũ, người chủ buộc phải thay đổi xe khi đã quá hạn.
Các gia đình cũng có thể dùng xe SUV để làm Mobihome, bởi lợi thế của chúng là không bị hết niên hạn. Các tiện nghi như bàn ghế hay bếp nấu cũng cần phải xếp vừa khoang hành lý.
Hiện tại, nhiều nhà sản xuất xe ô tô cũng đã thiết kế dòng xe chuyên dụng cho mobihome, giúp những người đam mê du lịch không cần mất nhiều công tự cải tạo. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng nằm ở giá thành, bởi ngay cả một phiên bản đơn giản cũng có giá tương đương một căn hộ chung cư.