Khách Tây hít bóng cười ở Hà Nội
Dạo qua những con phố Nguyễn Hữu Huân, Đào Duy Từ, Hàng Buồm... (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào lúc đêm muộn, không khó để bắt gặp cảnh tượng du khách, trong đó có nhiều khách Tây đang hít bóng cười.
Du khách nước ngoài nói về bóng cười ở Hà Nội - (Thực hiện: Nguyễn Đức Thành).
Trong khi tại một số nước, bóng cười bị hạn chế thì có vẻ như Việt Nam, thú vui gây nghiện này đang khá thoải mái.
Không chỉ người trẻ mà cả du khách nước ngoài cũng muốn thử cảm giác mà những quả bóng cười mang lại.
Trong tiếng nhạc xập xình tại những quán cafe trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tối cuối tuần, vài du khách nước ngoài đang say sưa bên những quả bóng.
Chị Tiffany, 32 tuổi, một du khách đến từ London (Anh) cho biết bóng cười khá phổ biến tại nước chị, tuy nhiên chỉ có những người trẻ thường thích thú.
Khi được hỏi về việc đã từng sử dụng bóng cười trước đó hay chưa, chị chia sẻ: "Thực ra tôi có biết về bóng cười trước đó và từng thử qua. Tuy nhiên chỉ 2 hay 3 lần trong đời mà thôi".
Nhóm bạn của Pizza đang hít bóng cười tại một quán cafe trên phố hàng Buồm - (Ảnh: Minh Đức).
Chị Pizza (người Anh, xin giấu tên thật) cùng nhóm bạn khi đó đang hút bóng cho biết, chị thường xuyên sử dụng bóng cười, tần suất khoảng 1 tuần/lần.
Với những người trẻ như chị, việc sử dụng bóng cười khá phổ biến tại quê nhà.
Ông Lee cho biết chủ yếu là giới trẻ sử dụng bóng cười, và nó khá phổ biến tại quê hương ông - (Ảnh: Minh Đức).
Tuy nhiên, với những người thuộc nhóm tuổi lớn hơn, bóng cười xem chừng không còn quá phù hợp với họ. Một nhóm khách nam đến từ Scotland, ông David, Lee và Richard cùng trong độ tuổi ngoài 40 cho biết, họ không quá mặn mà với bóng cười.
"Chủ yếu là những người trẻ sử dụng bóng cười để giải trí thôi. Lần cuối cùng tôi sử dụng chắc cũng phải cách đây vài năm trước rồi", Lee cho biết.
"Ở Hà Nội, chúng tôi thấy bóng cười có cả trong thực đơn"
Dù khác nhau về tuổi tác nhưng tất cả các vị khách được hỏi đều có chung một quan điểm: mua bóng cười ở Việt Nam có vẻ dễ không kém gì đi chợ.
"Tôi thấy bóng cười ở đây rất dễ mua, có thể mua trực tiếp trong bar. Ở đây, chúng tôi thấy bóng cười có cả trong thực đơn và lúc nào chúng tôi cũng có thể order", chị Sam (29 tuổi), người đi cùng Tiffany cho biết.
"Ở Anh, chúng tôi không thể mua được dễ dàng như vậy, khi nào có các lễ hội âm nhạc hay tương tự, bạn mới có thể mua chúng".
Dù đã bị cấm, bạn vẫn có thể mua bóng cười qua Internet ở nhiều nước - (Ảnh: Minh Đức).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người trẻ ngoại quốc không có cách nào để hít bóng cười. Cô bạn Pizza cho biết, họ có thể đặt mua nó trên mạng và sử dụng tại nhà.
Hoặc nếu "khéo léo" một chút, họ vẫn có thể mua nó tại các hộp đêm, quán bar.
Trên thực tế, Anh đã cấm sử dụng bóng cười từ tháng 5/2016 nhưng có vẻ nó sẽ mất thời gian cho chính phủ có thể kiểm soát.
"Cứ qua Internet là bạn muốn mua gì cũng được", ông Lee cho biết.
Đa phần những khách du lịch được hỏi đều rất ngạc nhiên vì bóng cười lại phổ biến ở Việt Nam và được bán công khai như vậy.
Không cần vào bar, họ có thể gọi bóng cười ngay tại các quán cafe vỉa hè, nhà hàng...
Pizza chia sẻ rằng, ở Anh cô có khi phải mất tới 10 bảng (hơn 200.000 đồng) cho một quả bóng cười thì ở đây chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng, chơi sang hơn tí nữa thì 50.000 đồng là cô có thể mua được.
Khi được hỏi về việc hút bóng cười tại Việt Nam và nước ngoài có khác gì nhau không, đa phần du khách đều cho rằng, có vẻ như, bóng cười ở đây có kích cỡ to hơn bình thường, người dân khá thoải mái với việc hít bóng cười.
Nhóm bạn này đã bỏ bóng cười xuống và vui vẻ trả lời phỏng vấn - (Ảnh: Minh Đức).
Đa số du khách hiểu rõ về tác hại của bóng cười
Với các du khách nước ngoài, họ khá hiểu về tác hại của bóng cười.
Chị Tiffany chia sẻ: "Chúng tôi biết về tác hại của bóng cười, như việc hít bóng cười liên tục có thể gây nên tình trạng thiếu oxy trong máu. Tuy nhiên, tôi nghĩ, thử một vài lần thì chắc cũng không sao.
Những người trẻ khác, dù họ biết là có hại nhưng họ vẫn dùng. Ở Anh, ngoài bóng cười ra, họ vẫn sử dụng các loại ma túy tổng hợp khác như cocain, cỏ...
Nhưng tôi cũng chưa thấy ai gặp quá nhiều vấn đề liên quan tới bóng cười. Có vài người trông khá đờ đẫn, mệt mỏi, họ không thể đi lại được vì quá phê".
Đa phần du khách nước ngoài đều hiểu khá rõ về tác hại của bóng cười - (Ảnh: Minh Đức).
Riêng với ông Richard, ông không chỉ biết người ta dùng bóng cười để giải trí mà còn trong ngành Y như việc chữa răng, hay gây mê khi tai nạn.
Còn với nhóm bạn của Pizza, họ cũng trả lời rằng đều biết tác hại của bóng cười nhưng chỉ cười trừ khi được hỏi tác hại cụ thể. Còn Pizza cho rằng: "Tôi chưa thấy ai bị làm sao khi hút bóng cười, nên chắc cũng không sao đâu".
Khi chúng tôi nhắc đến việc có người từng tử vong vì sử dụng bóng cười, cô gái trẻ này chỉ đáp tỉnh bơ: "Tôi không biết" rồi lại vui vẻ quay về với bữa tiệc của mình.
Tại Mỹ, việc sở hữu khí N2O là hợp pháp theo luật liên bang. Tuy nhiên, nó sẽ được quản lý theo quy định của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ.
Tại nhiều bang, việc buôn bán cũng bị quản lý chặt chẽ, cũng như giới hạn lượng khí N20 bán ra cho người dùng mà không có giấy phép đặc biệt.
Tại California, việc sở hữu bóng cười cho mục đích giải trí cũng được coi là không hợp pháp và bị cấm.
Tại New Zealand, Bộ Y tế đã ra cảnh báo về khí N2O.
Việc buôn bán và sử dụng chúng mà không được kê đơn theo chỉ định của các chuyên gia y tế được coi là hành động bất hợp pháp. Do vậy, việc sử dụng bóng cười ngoài mục đích y tế cũng bị hạn chế.
Với Ấn Độ, khí N20 cũng được sử dụng chủ yếu cho y tế nên các hành động buôn bán, vận chuyển mà không có giấy phép được coi là bất hợp pháp.
Còn tại Anh, từ tháng 5/2016, chính phủ nước này đã ra lệnh cấm sử dụng bóng cười trong các hoạt động giải trí.