Dự án tên lửa hạt nhân bí mật của Nga: Vũ khí thay đổi cuộc chơi hay chiêu PR, trả giá bằng mạng sống?

Lâm Vy |

Theo giới phân tích, dự án tên lửa hành trình hạt nhân– được cho là có liên quan tới vụ nổ gần đây tại bãi thử nghiệm của Nga– gặp phải nhiều khó khăn về kỹ thuật, lợi bất cập hại.

Hãng tin AFP cho hay, vụ nổ gây chết người tại một bãi thử tên lửa của Nga đã khiến dư luận dồn sự chú ý vào kế hoạch chế tạo tên lửa dùng động cơ hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó ông chủ Kremlin hy vọng sẽ mang lại cho Moscow lợi thế trong cuộc chạy đua vũ trang mới.

Các chuyên gia phương Tây đã liên kết vụ nổ tại bãi thử nghiệm Nyonoksa, thuộc vùng Arkhangelsk hôm 8/8 (khiến mức độ phóng xạ trong khu vực này tăng vọt) với tên lửa hành trình dùng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik mà ông Putin lần đầu tiên tiết lộ vào năm 2018.

Tuy nhiên, Điện Kremlin chưa xác nhận mối liên hệ này và thông tin về loại tên lửa phát nổ vẫn chưa rõ ràng.

Mặc dù tên lửa dùng động cơ hạt nhân, với khả năng (trên lý thuyết) tấn công bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất, có vẻ rất thu hút nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng những khó khăn về kỹ thuật và rủi ro có thể lớn hơn bất cứ lợi ích chiến lược nào mà nó mang lại.

Cơ quan hạt nhân Nga Rosatom cho biết các nhân viên của họ, với 5 người thiệt mạng trong vụ nổ, đang thực hiện các công việc thiết kế và kỹ thuật trên các nguồn năng lượng đồng vị của động cơ tên lửa khi tai nạn xảy ra.

Dự án tên lửa hạt nhân bí mật của Nga: Vũ khí thay đổi cuộc chơi hay chiêu PR, trả giá bằng mạng sống? - Ảnh 1.

Các tòa nhà tại một căn cứ quân sự ở thị trấn Nyonoska, Nga - khu vực xảy ra vụ nổ trong quá trình thử nghiệm động cơ tên lửa hạt nhân, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng hôm 8/8. Ảnh AFP/Getty

Tại sao phải phát triển tên lửa dùng động cơ hạt nhân?

Nỗi lo sợ về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ đã tăng lên sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sụp đổ.

Mục đích phát triển tên lửa dùng động cơ hạt nhân là để tăng tầm bắn tới mức độ không giới hạn (trên lý thuyết) – Ông Corentin Brustlein, người đứng đầu các nghiên cứu an ninh tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cho hay.

"Trên lý thuyết, điều này cũng giải phóng hạn chế trong tổng lượng nhiên liệu mà tên lửa có thể mang theo" – ông Brustlein nói với AFP.

"Với tầm bắn không hạn chế, tên lửa có thể ‘đi đường vòng’ để tấn công vào các vị trí sơ hở của đối phương, đi theo những quỹ đạo mà radar và các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không thể phát hiện và ngăn chặn, từ đó gây bất ngờ cho chúng" – ông Brustlein cho biết thêm.

Theo vị chuyên gia, Nga vẫn có một "nỗi ám ảnh" đối với mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh và từ thời cầm quyền của cựu Tổng thống Ronald Reagan – người đã đấu tranh cho chương trình Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, gọi là "Star Wars".

"Họ sợ rằng một ngày nào đó Mỹ sẽ có khả năng vô hiệu hóa kho vũ khí của họ, sử dụng các phương tiện tấn công và phòng thủ" - ông Brustlein nhận định – "Nga đang nhân rộng các lựa chọn của họ để đảm bảo khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ".

Mức độ rủi ro có quá lớn?

Công tác chế tạo tên lửa dùng động cơ hạt nhân có rất nhiều đòi hỏi về kỹ thuật, như thu nhỏ lò phản ứng hạt nhân tới một mức độ đủ nhỏ để lắp đặt vào tên lửa.

Bên cạnh đó, rủi ro đối với các nhà khoa học và kíp vận hành – đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển – là rất rõ ràng.

Một cựu quan chức tình báo Pháp giấu tên cho biết, những cân nhắc về an toàn thường đóng vai trò như một chiếc phanh hãm trong quá trình phát triển các loại vũ khí tương tự.

Tuy nhiên, "Nga không quá chú trọng tới những nguyên tắc an toàn như trên bởi họ thấy chúng quá nặng nề" – vị này nói, đồng thời lưu ý rằng Pháp chỉ sử dụng lò phản ứng hạt nhân trên các tàu ngầm và tàu sân bay Charles de Gaulle - "Nói tóm lại, có đáng để đánh đổi không? Chúng tôi nghĩ là không, và không phải mình chúng tôi nghĩ như vậy".

Các chuyên gia đã bác bỏ bất cứ sự so sánh nào giữa vụ nổ mới đây với thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 mà Liên Xô giữ bí mật trong suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về mức độ phóng xạ tại khu vực xảy ra vụ việc.

Cơ an dự báo khí tượng thủy văn của Nga cho biết, mức độ phóng xạ đã tăng 16 lần sao với mức quy chuẩn tại thị trấn Severodvinsk gần đó sau vụ nổ, khiến người dân địa phương phải đi mua i-ốt để ngăn tuyến giáp hấp thụ bức xạ.

Ông Brustlein cho biết, quy trình phát triển tên lửa dùng động cơ hạt nhân "vô cùng phức tạp", trong khi lợi ích mà nó mang lại vẫn "rất mơ hồ".

"Những thách thức kỹ thuật trong quá trình thu nhỏ lò phản ứng hạt nhân và những hạn chế trong quá trình thử nghiệm là vô cùng nhiều", ông Brustlein nói.

Dự án tên lửa hạt nhân bí mật của Nga: Vũ khí thay đổi cuộc chơi hay chiêu PR, trả giá bằng mạng sống? - Ảnh 3.

Tên lửa hành trình dùng động cơ hạt nhân mới của Nga, được biết tới với tên gọi Burevestnik. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Toan tính của Nga

Chuyên gia quân sự Nga Alexander Golts mô tả cuộc thử nghiệm của Nga là "hoàn toàn vô dụng". Tuy nhiên, theo AFP, mục đích của Kremlin có thể không đơn thuần nằm ở chiến lược quân sự trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Tổng thống Putin đang sụt giảm do Moscow thường xuyên vấp phải các cuộc biểu tỉnh phản đối.

Quảng bá ưu thế quân sự vẫn là một lá bài mạnh mẽ của Kremlin, trong đó ông Putin "đe dọa" sẽ triển khai những loại vũ khí "bất khả chiến bại" nhằm vào "những trung tâm đưa ra quyết định quan trọng" tại phương Tây.

"Ông Putin muốn chứng minh rằng Nga đang phát triển các hệ thống mà Mỹ không có, và rằng họ đang duy trì cuộc cạnh tranh công nghệ (với Mỹ)" – ông Brustlein nhận định.

Trong khi đó, theo cựu quan chức tình báo Pháp thì "Có một khía cạnh chính trị quan trọng đối với Tổng thống Putin, ông ta muốn chứng minh rằng Nga vẫn là một cường quốc quân sự lớn".

Nga thử nghiệm tên lửa Burevestnik. Nguồn: Bộ QP Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại