Thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, ngày 21/3, hai hầm đường sắt Khe Nét sẽ được triển khai thi công. Đây là một trong hai gói thầu thuộc Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM gồm 2 gói thầu xây lắp: XL01, thi công xây dựng 2 hầm đường sắt và XL02 là thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại. Đây là dự án được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc, số vốn đăng ký giải ngân theo tiến độ thi công.
Được biết, Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có tổng chiều dài tuyến gần 7km trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến 2025.
Khối lượng thi công chính của dự án bao gồm các công trình tuyến, ga, hầm, thông tin tín hiệu...
Đối với công trình trên tuyến sẽ nâng cấp cải tạo hơn 2.255m đường sắt, cải dịch tuyến mới khoảng 4.564m đường sắt. Trong đó, công trình ga Đồng Chuối được cải tạo, đặt thêm đường số 3 và xây dựng ke ga dài 300m và xây mới đường bộ vào ga.
Đèo Khe Nét thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong 5 đèo cao nhất trên tuyến đường sắt quốc gia. Đèo Khe Nét nằm giữa tuyến Vinh (Nghệ An) và Đồng Hới (Quảng Bình), từ ga Vinh lên đến đỉnh đèo phải mất tới 200km. Tuyến đèo có địa hình phức tạp, hiểm trở với độ cao hơn 700m so với mực nước biển.
Đường sắt đoạn qua đèo Khe Nét phải đi qua 32 khúc cua hẹp phải dùng ray hộ bánh. Tàu khách qua đây chỉ chạy được 20 – 25km/h (tốc độ trung bình khoảng 76km/h), tàu hàng phải có thêm đầu máy đẩy mới qua được. Do địa hình quanh co hiểm trở, tốc độ khai thác hạn chế đã khiến đèo Khe Nét trở thành một trong những nút thắt về khai thác trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Để khắc phục những tồn tại đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét với mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải trên đoạn tuyến từ Km412+700 đến Km422+490 (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Huy động đầu máy, kỹ sư sẵn sàng thi công
Ông Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu xây dựng 2 hầm đường sắt Khe Nét cho biết trên Báo Giao thông, hiện tại, nhà thầu đã hoàn thành khu nhà điều hành, huy động mở đường công vụ vào cửa Bắc hầm số 1, hoàn tất thỏa thuận với địa phương để có mặt bằng thi công đường công vụ vào 3 cửa hầm còn lại, hoàn thành móng trạm trộn bê tông.
Ông Sông cho biết, công ty đã đã huy động 15 đầu máy móc thiết bị, 60 kỹ sư công nhân phục vụ công tác chuẩn bị thi công. Sau lễ động thổ, nhà thầu sẽ tiếp tục huy động một lượng lớn nhân sự, thiết bị để chính thức triển khai xây dựng.
Gói thầu XL01 do liên danh Il Sung - Đèo Cả thi công xây dựng 2 hầm đường sắt có giá trị hơn 550 tỷ đồng, nằm trên địa phận xã Hương Hoá và Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình . Trong đó, hầm 1 có chiều dài 620m, dự kiến được xây dựng trong 23 tháng.
Hầm 2 có chiều dài 393m dự kiến được xây dựng trong khoảng 13,5 tháng, khổ hầm 10m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.
Báo Đảng Cộng sản dẫn lời ông Lee Sang Hyun - Giám đốc điều hành Công ty Ilsung trong buổi ký hợp đồng xây dựng 2 hầm đường sắt Khe Nét hồi cuối tháng 12/2023 nhận định dự án này đóng vai trò quan trọng, là khởi đầu cho các dự án đường sắt trong tương lai ở Việt Nam. Ông cũng cam kết sẽ cùng Đèo Cả nỗ lực hết mình để hoàn thành dự án với chất lượng tốt nhất và đúng tiến độ đã đề ra.
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc.
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét là cơ sở hạ tầng đường sắt quan trọng, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án này cũng phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT Đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển GTVT Đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.