"Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn ưu tiên nữa"
Khi thông tin về việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT nêu, năm 2015, trên cơ sở kết quả các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, Chính phủ Trung Quốc đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu NDT để Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt này.
Trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 27/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, việc Trung Quốc viện trợ đó là khoản ban đầu và không có ý nghĩa lớn, bởi dự án mới đang đưa vào quy hoạch, xem xét chứ chưa quyết định triển khai cụ thể.
"Ở đây, chỉ cần làm rõ xem, chúng ta có lỡ cam kết gì hơn khi họ tài trợ số tiền này không...", ông Nghĩa nói.
ĐB Nghĩa cho hay, dự án đường sắt này là quy hoạch từ năm 2015, vì vậy quá trình triển khai dự án phải rà soát lại, đối chiếu với các yếu tố hiện tại như an ninh quốc phòng, quan hệ trong nước và quốc tế, tình hình kinh tế và khả năng tài chính, nợ công, đầu tư công... Quy hoạch là xây dựng cho tương lai, nhưng tình hình thực tế luôn thay đổi.
Ông nhắc lại việc, Quốc hội đã từng quyết làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận và dự án này đã bắt đầu triển khai, nhưng sau khi rà soát lại, đã quyết định không làm nữa.
Về việc đánh giá hiệu quả kinh tế nếu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được triển khai, ĐB Nghĩa cho biết, ông không phải nhà kinh tế nhưng đã có những chuyên gia kinh tế nói tới.
Ảnh minh họa một đoàn tàu của đường sắt VN.
"Họ cho rằng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Đối với dự án không đáp ứng lợi ích chủ yếu của nền kinh tế, vậy ai sẽ khai thác và hưởng lợi nhiều trên tuyến đường? Theo nhiều người, tuyến đường sắt không có lợi cho Việt Nam, vì vậy cần phải xem xét lại tất cả các yếu tố", ĐB Nghĩa nêu quan điểm.
Về khái toán dự án do tư vấn Trung Quốc lập là khoảng 100.000 tỷ đồng, ĐBQH đoàn TP HCM đề nghị phải xem xét có còn hợp lý nữa không và mục đích của dự án là gì.
"Theo tôi, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn ưu tiên nữa và đối với Việt Nam, lợi ích từ dự án đường sắt này cũng không rõ", ông chia sẻ và cho rằng nên dành ưu tiên cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sau này là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bình luận về các dự án có liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc, ông Nghĩa nhìn nhận, nên xem xét kỹ các dự án liên quan nhà đầu tư Trung Quốc.
"Ở Việt Nam, đã có những bài học nhãn tiền như Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... Khi bị nhiều "vố" như thế chúng ta cần rút bài học phải thận trọng, xem xét kỹ và đó đã là vết xe đổ rồi thì đừng giẫm vào nữa", ông Nghĩa nêu rõ.
Dự toán vốn khoảng 100.000 tỷ đồng cho dự án này lấy ở đâu?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nói, dù chưa nhận được các tài liệu liên quan đến quy hoạch này, tuy nhiên ở quan điểm cá nhân, ông thấy có một số điểm cần quan tâm.
"Dù đất nước có thiếu tiền đi chăng nữa cũng đâu cần thiết khoản viện trợ trị giá 10 triệu NDT của phía Trung Quốc để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng?", ông Ngân nêu.
ĐB Trần Hoàng Ngân.
Ông Ngân nói thêm, với nguồn vốn tạm tính theo tư vấn đưa ra là khoảng 100.000 tỷ đồng cho dự án này thì nguồn vốn đó lấy ở đâu, đường sắt nên làm ở đâu, làm ra sao… cần phải được nghiên cứu thấu đáo, đặc biệt phải làm rõ tính cấp thiết và tính hiệu quả của dự án.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý, chúng ta không nên dùng các nguồn vốn bên ngoài để làm các quy hoạch, trong đó có quy hoạch giao thông.
"Bởi khi họ chi phối vốn họ sẽ chi phối các vấn đề về tổ chức đấu thầu, thi công và nhiều vấn đề khác", ông Ngân nêu.
ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, thời điểm hiện nay, Chính phủ, ngành GTVT nên tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án giao thông đang dang dở, như các dự án đường sắt đô thị ở TP HCM và Hà Nội, tiến hành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và tổ chức đấu thầu, thi công các tuyến cao tốc Bắc – Nam...