Chức vô địch thuyết phục của “Voi chiến”
Đã không có câu chuyện cổ tích nào được viết ở sân vận động Quốc gia Singapore trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2020. Sau bài học "xương máu" trong trận lượt đi, Indonesia đã chơi rất tốt ở trận tái đấu, đặc biệt là trong hiệp 1, nhưng họ cũng chỉ có được kết quả hòa 2-2. Chung cuộc, Thái Lan giành chiến thắng với tổng tỉ số 6-2 để vô địch AFF Cup 2020.
Chức vô địch AFF Cup 2020 của Thái Lan rất thuyết phục, khi đội bóng này duy trì thành tích bất bại, họ ghi được nhiều bàn thắng nhất và cũng để thủng lưới ít nhất giải. Họ có 2 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải đấu là Chanathip Songkrasin và Teerasil Dangda với cùng 4 pha lập công.
Trong hành trình chinh phục chức vô địch thứ 6 của Thái Lan, họ đối đầu với các đội bóng có trường phái bóng đá khác nhau, nhưng HLV Polking vẫn ứng biến rất tốt, thậm chí có những trận dùng đội hình 2, nhưng vẫn có kết quả thuận lợi.
Cũng phải nói rằng, đây là giải đấu mà Thái Lan rất quyết tâm, họ triệu tập những nhân tố tốt nhất của mình, kể cả những cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài về để chinh phục danh hiệu. Ngoài ra, khoảng cách giữa đội hình 1 và đội hình 2 của “Voi chiến” cũng không có sự chênh lệch nhiều nên khi vào sân, sức mạnh của đội bóng này không bị suy giảm.
Việt Nam và Indonesia là hai đội bóng duy nhất có được trận hòa trước Thái Lan ở AFF Cup 2020. Điểm chung trong 2 trận hòa này, đó là Việt Nam và Indonesia chơi rất hay trong hiệp 1, nhưng lại hoàn toàn “tắt điện” trong hiệp 2 khi mà Thái Lan tăng tốc.
Tất nhiên, sự chênh lệch về đội hình giữa Thái Lan với Việt Nam hay với Indonesia không quá lớn, nhưng cách chơi, phong thái chơi và bung sức đúng thời điểm là điều mà “Voi chiến” hơn hẳn 2 đối thủ. Sự khác biệt lớn nhất, đó là Thái Lan biết kết liễu đối thủ ở những thời khắc họ gặp khó khăn còn Việt Nam và Indonesia thì không.
Do đó, chức vô địch AFF Cup 2020 của Thái Lan là xứng đáng và hoàn toàn thuyết phục. “Voi chiến” đã biến ĐT Việt Nam thành nhà cựu vô địch, biến Indonesia trở thành đội bóng về nhì vĩ đại nhất giải đấu để nói với cả Đông Nam Á rằng, họ đang là vua ở bóng đá khu vực.
Nỗi trăn trở từ chu kỳ 10 năm của ĐT Việt Nam
Nhìn vào 6 chức vô địch của Thái Lan nhiều người ắt hẳn sẽ nghĩ đến chu kỳ 10 năm của ĐT Việt Nam. Trong lịch sử của AFF Cup, tiền thân là Tiger Cup, ĐT Việt Nam có 3 lần vào chơi trận chung kết đó là các năm 1998, 2008 và 2018. Trong 3 lần này, chúng ta giành được 2 chức vô địch.
Căn cứ và những dữ liệu lịch sử trên thì năm 2028 sẽ là năm mà ĐT Việt Nam có thể lọt vào chung kết, hoặc giành chức vô địch. Bởi nó tương ứng với chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam ở sân chơi cao nhất khu vực.
Tất nhiên, với dàn cầu thủ thế hệ vàng của ĐT Việt Nam, chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra. Sau thất bại khó nuốt trôi ở AFF Cup 2020, “Những ngôi sao vàng” đang đặt mục tiêu giành chức vô địch ngay ở AFF Cup 2022 để lấy lại vị thế của mình.
Tuy nhiên, để lật đổ được Thái Lan không phải là chuyện đơn giản, nếu chúng ta chưa thấm nhuần được bài học thất bại ở AFF Cup 2020. Có quá nhiều lý do khiến ĐT Việt Nam thất bại ở giải đấu năm nay như dịch bệnh, V-League 2021 bị hủy, cầu thủ bị vắt kiệt sức ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, lối chơi bị bắt bài hay nhiều trụ cột dính chấn thương.
Tất cả những lý do trên đều đúng, nhưng nó cũng đúng với tất cả các đội tham dự AFF Cup 2020 chứ không riêng gì Việt Nam. Indonesia hay Thái Lan đều có những khó khăn về lực lượng, về dinh dưỡng, nhưng họ vẫn vượt qua. Ngay như Thái Lan, họ đá trận ra quân mà không có đội hình mạnh nhất vì các cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài chưa hội quân. Sau mỗi trận đấu, họ đều có những ca chấn thương, nhưng những gương mặt thay thế đã làm rất tốt công việc để giúp “Voi chiến” vô địch.
Trong khi đó, những nhân tố dự bị của ĐT Việt Nam lại không được trao nhiều cơ hội. HLV Park Hang Seo không phải không muốn sử dụng những cầu thủ đó, nhưng ông là người hiểu rõ năng lực của các học trò hơn bất cứ ai. Đã rất nhiều lần chiến lược gia người Hàn than vãn với báo chí rằng, ông thực sự rất khó để tìm ra những quân bài chất lượng để lắp ghép vào đội hình vì sau lứa cầu thủ thế hệ vàng vô địch AFF Cup 2018 thì trình độ, đẳng cấp của các lứa còn lại có khoảng cách khá xa.
Lỗ hổng về mặt chuyên môn giữa các lớp kế cận của bóng đá Việt Nam không phải là câu chuyện mới mẻ. Đó chính là nguyên nhân mà chúng ta đặt niềm tin vào chu kỳ 10 năm. Và để xóa bỏ được nỗi trăn trở về chu kỳ thành công của ĐT Việt Nam thì đây là công việc không chỉ riêng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các trung tâm bóng đá, câu lạc bộ bóng đá mà nó là sự chung sức, chung tay của toàn xã hội.
Nhìn từ thất bại ở AFF Cup 2020 có thể thấy rằng, nếu chúng ta vẫn chỉ kỳ vọng nhiều vào lứa cầu thủ thế hệ vàng, vẫn ngày đêm mong mỏi những trụ cột như Đình Trọng, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Lâm trở lại sau chấn thương và chờ điều kỳ diệu từ thầy Park thì thật khó để bóng đá Việt Nam thành công bền vững. Bởi những cầu thủ này rồi cũng sẽ nhiều tuổi lên theo năm tháng. Sứ mệnh này cần được san sẻ cho những gương mặt triển vọng trong tương lai của bóng đá nước nhà.