Động thái bất thường của tàu ngầm Mỹ ở Tây Thái Bình Dương

Phạm Nghĩa |

Lực lượng tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã có một bước đi bất thường trong tháng này khi tiến hành các hoạt động ứng phó dự phòng trên biển ở Tây Thái Bình Dương.

Theo trang military.com, động thái kể trên nhằm hỗ trợ cho chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở của Lầu Năm Góc, chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.

Ít nhất 7 tàu ngầm, bao gồm 4 tàu ngầm tấn công tại đảo Guam, tàu ngầm USS Alexandria ở San Diego và các tàu ngầm ở Hawaii, tham gia hoạt động mới nhất ở Tây Thái Bình Dương. Trang military.com nhận định điều này nêu bật mong muốn của Lầu Năm Góc, đó là linh hoạt và không thể đoán trước trong cuộc cạnh tranh "quyền lực lớn" với Trung Quốc và Nga.

"Các hoạt động của chúng tôi là minh chứng cho sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng tôi theo luật pháp quốc tế" - chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố.

Tàu ngầm tấn công của Mỹ có khả năng tàng hình, đánh chìm tàu khác ​​bằng ngư lôi, bắn tên lửa hành trình Tomahawk và thực hiện nhiệm vụ giám sát bí mật.

Theo tạp chí The National Interest, ngay cả khi tàu sân bay bị vô hiệu hóa, lực lượng tàu ngầm của Mỹ vẫn có thể tiếp cận một vùng biển quan trọng.

Khả năng triển khai nhanh chóng là một yếu tố quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương, qua đó đối phó với khủng hoảng và xung đột trong khu vực.

Tàu ngầm được xem là một phần không thể thiếu trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực Tây Thái Bình Dương của Mỹ, bao gồm biển Đông và biển Hoa Đông.

Lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) đang là nòng cốt của kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Hải quân Mỹ gần đây duy trì một đội tàu chiến ở Tây Thái Bình Dương để phô trương lực lượng cũng như cho thấy dịch Covid-19 không làm suy giảm đáng kể khả năng của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper xác nhận trong khi quân đội Mỹ xử lý dịch Covid-19, Washington vẫn tập trung vào các nhiệm vụ an ninh trên toàn thế giới.

Ông nói: "Các đối thủ chiến lược của chúng tôi đang cố gắng khai thác cuộc khủng hoảng này để mang lại lợi ích cho họ".

Bộ trưởng Esper cũng cáo buộc Trung Quốc tăng cường "chiến dịch đánh lạc hướng" để đổ lỗi trong dịch Covid-19 và đánh bóng hình ảnh.

Trong suốt thời gian đó, Mỹ tiếp tục chứng kiến ​​hành vi hung hăng của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) ở biển Đông, từ việc đe dọa tàu hải quân Philippines cho đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đe dọa các quốc gia khác tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại