Đông Nam Á - chìa khóa đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt

Thu Hoài |

Việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sắp thăm Đông Nam Á vào cuối tháng này cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm duy trì ưu thế chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phó Tổng thống Mỹ Harris. Ảnh: Japan Times.

Phó Tổng thống Mỹ Harris. Ảnh: Japan Times.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Đông Nam Á vào cuối tháng này. Là quan chức cấp cao thứ 3 trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tới khu vực chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, chuyến đi một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm duy trì ưu thế chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Phil Gordon, trọng tâm của chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Kamala Harris là tăng cường vai trò của Mỹ, mở rộng hợp tác an ninh, làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế, bảo vệ trật tự dựa trên quy định quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ những giá trị của nước Mỹ, của các nước bạn bè và đối tác. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời tập trung tăng cường an ninh khu vực. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà Kamala Harris với tư cách Phó Tổng thống và dự kiến kéo dài một tuần từ 20-26/8, dài hơn nhiều so với chuyến thăm 2 ngày đến Guatemala và Mexico trong tháng 6.

Ngay từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã cho thấy châu Á là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng ngoại giao, quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Thời gian qua, Tổng thống Joe Biden đã cử nhiều quan chức cấp cao đến châu Á để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với các đối tác, đồng minh trong khu vực. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Phil Gordon, đây thực sự là một phần của một chiến lược thống nhất tổng thể cho thấy sự tham gia toàn diện của Mỹ ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Giáo sư James Crabtree tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden tập hợp các quốc gia đồng minh ở châu Á nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc lại không phải là việc dễ dàng khi nước Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump đã tự đánh mất vai trò dẫn dắt thế giới của mình.

Giáo sứ Crabtree nói: "Những gì Mỹ đã làm trước đây là cố gắng sử dụng cả sức mạnh an ninh và kinh tế để lôi kéo các đồng minh. Chẳng hạn như Mỹ đã thiết lập hiệp định thương mại TPP ban đầu. Nhưng thỏa thuận không được Quốc hội thông qua. Thực tế là sức nặng kinh tế của Mỹ đang giảm, còn vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng. Và Trung Quốc cũng đang làm khá tốt trong việc thay thế Mỹ với tư cách bên bảo hộ thương mại tự do trong khu vực".

Trên thực tế, trong vòng hơn một năm qua, Trung Quốc đã có nhiều cam kết ngoại giao với khu vực, trong đó phải kể đến chuyến thăm cấp tập của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN hồi tháng 10/2020 hay việc Trung Quốc tổ chức một cuộc họp cấp ngoại trưởng với ASEAN hồi tháng 6 vừa qua tại nước này. Hơn nữa, mặc dù cũng thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song các chính quyền tại Mỹ vẫn chưa thực sự coi Đông Nam Á là mối ưu tiên của mình. Ngay cả đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, các nỗ lực cho đến nay vẫn phần lớn tập trung vào nhóm Bộ Tứ Kim Cương, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Dẫu vậy, để cân bằng lại quyền lực mềm trước Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden dù sớm hay muộn cũng sẽ không thể bỏ qua Đông Nam Á và những chuyến thăm cấp tập của các quan chức hàng đầu chính quyền Mỹ tới Đông Nam Á đã cho thấy rõ điều này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại