Đồng minh "ruột" của Mỹ bắt tay Nga: Bất đồng không cản lợi ích chung

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên và tình trạng căng thẳng Mỹ - Triều đã tạo động lực cho quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc.

Sau lần gặp đầu tiên bên lề hội nghị cấp cao nhóm G20 tại Hamburg (Đức) hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ lại gặp nhau nhân Diễn đàn kinh tế Phương Đông (EEF) tổ chức tại Vladivostock (Nga) vào đầu tháng 9 tới.

Những gì xảy ra trong thời gian vừa qua và hiện đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, trong khu vực Đông Bắc Á và đặc biệt trong mối quan hệ Mỹ-Triều đã khiến sự kiện này mang tầm quan trọng mới và nhận được nhiều sự chú ý.

Đồng minh ruột của Mỹ bắt tay Nga: Bất đồng không cản lợi ích chung - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại G20. Ảnh: Kremlin

Ở Hàn Quốc mới có chuyện thay đổi chính phủ. Ông Moon Jae-in mới nhậm chức, quan hệ hợp tác giữa hai nước vốn tốt đẹp, nên không có gì là khó hiểu khi cả ông Moon lẫn ông Putin đều có nhu cầu gặp gỡ thường xuyên để thiết lập mối quan hệ cá nhân.

Vấn đề hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên cùng với leo thang căng thẳng và đối đầu Mỹ - Triều thời gian qua càng thôi thúc Nga và Hàn Quốc tăng cường tham vấn lẫn nhau, phối hợp hành động.

Diễn đàn EEF đã trở thành sự kiện thường niên ở Nga, cũng là cơ hội rất thuận lợi cho Moskva và Seoul thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Lợi ích chung

Lâu nay Nga vẫn theo đuổi mục đích mở rộng thị trường xuất khẩu dầu khí của Nga sang bán đảo Triều Tiên. Còn ông Moon Jae-in cũng đã khởi xướng dự án "Bản đồ kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên", kết nối bán đảo này với vùng viễn đông của Nga.

Lợi ích chung này rất cơ bản và có tầm chiến lược lâu dài đối với cả hai nước. Nhưng quan trọng, cần thiết và cấp bách hơn thế nữa là ba lợi ích chung của họ liên quan đến Triều Tiên. Những lợi ích này mới đóng vai trò quyết định để bất đồng quan điểm và cung khắc lợi ích trong các vấn đề khác không chi phối và dẫn dắt mối quan hệ Nga-Hàn.

Thứ nhất, cả hai nước đều có lợi nếu Triều Tiên không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên càng phát triển chương trình tên lửa, hạt nhân, cũng như sử dụng nó làm công cụ và vũ khí chiến lược trong xử lý quan hệ với các đối tác bên ngoài thì hai nước này càng khó xử với nhau và càng chịu nhiều thách thức, cả về chính trị lẫn an ninh.

Vì vậy, họ phải nỗ lực ngăn cản Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đồng minh ruột của Mỹ bắt tay Nga: Bất đồng không cản lợi ích chung - Ảnh 2.

Triều Tiên thử nghiệm tên lửa. Ảnh: KCNA

Thứ hai, cả hai đều sẽ không tránh khỏi bị vạ lây hoặc bị lôi kéo vào vòng xoáy ảnh hưởng bởi xung khắc và bất hoà giữa Mỹ và Triều Tiên. Họ đều là láng giềng của Triều Tiên. Do đó, họ có cùng lợi ích trong việc làm sao để Mỹ và Triều Tiên không đẩy nhau vào chiến tranh hoặc đụng độ quân sự.

Thứ ba, mọi chuyện liên quan đến an ninh và ổn định ở Triều Tiên đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến họ. Vì thế, lợi ích chung của họ là có vai trò trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như trong việc Mỹ và Triều Tiên xử lý quan hệ với nhau mà không gây tổn hại đến họ.

Những khác biệt giữa hai nước này không xuất phát từ quan hệ song phương mà nảy sinh từ quan hệ đối ngoại của từng bên. Nga được coi là thân thiện với Triều Tiên và Trung Quốc nhưng đang căng thẳng với Mỹ. Còn Hàn Quốc là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ nhưng quan hệ của nước này với Triều Tiên chưa được bình thường.

Đồng minh ruột của Mỹ bắt tay Nga: Bất đồng không cản lợi ích chung - Ảnh 3.

Mới đây, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Nga và cả Trung Quốc coi đó là tăng cường vũ trang, làm thay đổi sự cân bằng chiến lược đang có ở khu vực Đông Bắc Á và gây ra mối đe doạ an ninh mới cho họ.

Trung Quốc vì thế mà áp dụng một số biện pháp trừng phạt Seoul về kinh tế và thương mại. Đối với Nga, Trung Quốc quan trọng hơn Hàn Quốc. Đối với Hàn Quốc, Mỹ và thậm chí cả Trung Quốc quan trọng hơn Nga. Cả tiềm năng lẫn hạn chế đối với Nga và Hàn Quốc trong thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đều ở đó.

Với ông Moon Jae-in ở cương vị tổng thống Hàn Quốc, mối quan hệ của nước này với Nga có cơ hội và tiền đề mới để phát triển mạnh mẽ hơn. Cuộc gặp tới ở Vladivostock giữa ông Putin và ông Moon Jae-in chắc chắn sẽ tạo động lực mới, giúp cả hai tìm được cách hành xử thích hợp với nhau để bớt khó xử với đồng minh và đối tác quan trọng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại